Tính đến ngày 2/11 đã có TP.HCM và tỉnh Bình Dương tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Cả TP.HCM và Bình Dương đều báo cáo tại các điểm tiêm của 2 tỉnh, thành này, công tác tiêm vắc-xin cho trẻ đều diễn ra an toàn.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, tham khảo tài liệu từ Tổ chức thế giới (WHO) cũng như ghi nhận từ nhà sản xuất và một số nước đã, đang triển khai tiêm chủng cho thấy, các phản ứng có thể gặp ở trẻ tương tự người lớn.
Cụ thể:
Phản ứng rất phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Lưu ý, ở mũi thứ hai sau khi tiêm, trẻ thường có phản ứng nhiều hơn mũi thứ nhất.
Một số phản ứng thường gặp khác (tỷ lệ từ 1/100 đến dưới 1/10 trường hợp) là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm.
Các phản ứng không phổ biến (từ 1/1.000 đến dưới 1/100 trường hợp): mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm, nổi hạch.
Các phản ứng phụ nghiêm trọng hơn gồm liệt mặt ngoại biên cấp tính, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.Tuy nhiên TS Hồng cũng cho biết, cả 3 phản ứng này đều rất hiếm gặp. Ví dụ như với phản ứng liệt mặt ngoại biên cấp tính chỉ có tỷ lệ 1/10.000 đến dưới 1/1.000 trường hợp.
2 phản ứng còn lại cũng đã được ghi nhận tại 1 số quốc gia nhưng tỷ lệ rất thấp. Với biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra từ 2 - 4 ngày sau tiêm vắc xin COVID-19 mũi thứ 2, gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. Cần lưu ý các triệu chứng của viêm cơ tim như: đau ngực, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch...
PGS Hồng nhấn mạnh, sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày tại gia đình (đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm). Trong 3 ngày đầu, trẻ phải có gia đình, bố mẹ và người giám hộ luôn bên cạnh để hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khỏe.
Phụ huynh cần yêu cầu con tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao quá mức ít nhất 3 ngày sau tiêm. “Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái”, PGS Hồng đưa ra lưu ý.
Được biết, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã đề nghị các chuyên gia về Nhi khoa đưa ra hướng dẫn nhận biết triệu chứng ban đầu, phác đồ điều trị viêm cơ tim. “Tới đây, chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các bệnh viện để có thể xử trí kịp thời. Dù phản ứng nghiêm trọng này rất hiếm xảy ra, nhưng chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị kỹ”, PGS Hồng nói.
Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) lưu ý, với những trẻ mắc các bệnh nền như ung thư, mắc các bệnh lý về máu, huyết học, tim bẩm sinh, hen suyễn... có thể có tác dụng phụ phức tạp hơn do tình trạng bệnh lý nền của trẻ. Phụ huynh cần nắm được các tình trạng của con, phối hợp với nhân viên y tế sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn khi tiêm.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 phản ứng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi trẻ tiêm vắc-xin, bố mẹ cần theo dõi chặt tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].