Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng…
Đồng thời, gia đình Việt Nam đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống...
Trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững, trường tồn.
Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới trong cuộc sống hiện đại cũng “đảm bảo” cho gia đình lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.
Việc phát huy những yếu tố truyền thống tích cực và tiếp thu những giá trị mới sẽ làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, một số vấn đề cần quan tâm để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm:
1. Nghiên cứu, đánh giá hệ giá trị gia đình Việt Nam
Nhận diện các giá trị truyền thống cần gìn giữ, phát huy; xác định các giá trị mới đang hình thành phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa gia đình Việt Nam.
Nghiên cứu cơ bản về gia đình để có những định hướng quan trọng trong giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình thời kỳ mới. Theo đó, cần có những đầu tư về công sức và trí tuệ; làm rõ những vấn đề hạn chế, bất cập, tồn tại; xác định đúng những biến đổi để xây dựng bảng giá trị mới cho gia đình - kết hợp giữa các giá trị truyền thống với các giá trị mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của giáo dục trong gia đình
Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định: “Muốn chấn hưng công việc của quốc gia xã hội, muốn sửa sang nhân tâm phong tục thời phải coi trọng giáo dục gia đình mà bồi bổ, sắp đặt để cho cái nền, gốc được vững”.
Trong bối cảnh mới, việc coi trọng giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng. Nội dung giáo dục trong gia đình rất toàn diện, bao gồm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, phương thức lao động, trau dồi kiến thức, tri thức để hình thành nên con người mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay.
3. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, trong đó chú trọng giữ gìn, phát triển các giá trị gia đình. Các chính sách xây dựng, phát triển gia đình cần được lồng ghép trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xây dựng các tiêu chí giữ gìn, phát triển gia đình, trong đó có những tiêu chí cụ thể về hệ giá trị gia đình, xác định rõ những tiêu chí đáp ứng các giá trị cốt lõi của gia đình hướng tới như ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh… ; tiêu chí về lối sống và phương thức giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ của gia đình; tiêu chí đạo đức; tiêu chí duy trì, gìn giữ và phát triển chức năng tâm lý, tình cảm, tôn giáo, tín ngưỡng; tiêu chí về bảo đảm môi trường, an ninh; tiêu chí dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho gia đình…
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt NamBạn đang xem bài viết 3 điều cần làm để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].