Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Giữ gìn và phát huy các giá trị thuần phong, mỹ tục trong gia đình Việt Nam

Việc giữ gìn, phát huy các giá trị thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục trong gia đình Việt Nam cần chú trọng phát huy những yếu tố sau:

1. Phát huy yếu tố tích cực trong giáo dục các chuẩn mực đạo đức, nhân cách

Nếp nhà của người Việt Nam là một trong những biểu trưng cho các giá trị truyền thống của gia đình, trong đó bao hàm những giá trị về đạo đức, chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp hay nghi lễ tín ngưỡng luôn được trao truyền, gìn giữ cho đến ngày nay.

Trong các giai đoạn lịch sử, gia đình Việt Nam mặc dù có những ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo nhưng vẫn giữ được nét riêng của văn hóa gia đình Việt Nam. Các loại hình gia đình cũng có những thay đổi theo từng thời kỳ và hình thành nhiều loại hình gia đình như gia đình thuần nông, gia đình làm nghề thủ công, gia đình công nhân, gia đình trí thức, gia đình công giáo, gia đình phật giáo,…

Nhiều quy tắc, nền nếp gia đình đã được truyền qua nhiều đời, khuyên răn giáo dục các thành viên cách ăn ở, giao tiếp; răn dạy đạo đức, ý thức học hỏi, sự thủy chung, nghĩa tình, tu thân lập nghiệp, thờ cha kính mẹ…Các điều răn dạy đạo lý luôn được ông bà, cha mẹ rèn dạy con cháu qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày nhằm hạn chế rơi vào tình cảnh “xấu trong làng nước, để cười mai sau”.

Nhìn chung, các giá trị chân, thiện, mỹ được định hình, nuôi dưỡng trong gia đình, dựa trên nền tảng của tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nhường nhịn và bảo ban giữa các lớp thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình. Những giá trị đó được nhân lên, bảo vệ và gìn giữ qua thời gian, là những giá trị văn hóa kết nối, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người trong quá trình khôn lớn và trưởng thành.

Giữ gìn và phát huy các giá trị thuần phong, mỹ tục trong gia đình Việt Nam. Ảnh minh họa

Giữ gìn và phát huy các giá trị thuần phong, mỹ tục trong gia đình Việt Nam. Ảnh minh họa

2. Phát huy các giá trị tâm lý, tình cảm

Đó là tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.

Bên cạnh sự gần gũi trong quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, các thành viên trong gia đình cũng được định hình nhân cách với sự thương yêu của người thân bao gồm ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác. Gia đình và gia tộc, dòng họ có vai trò quan trọng trong giáo dụcnhân cách của mỗi cá nhân. Trước hết, quan hệ tình cảm, tâm lý gia đình như là một nguồn động viên, hỗ trợ, cội nguồn của sức mạnh với những tình cảm thiêng liêng, gần gũi, máu thịt. Những mối quan hệ đó trở thành chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình cả khi thành công hay thất bại.

Với những đặc trưng của văn hóa phương Đông, văn hóa gia đình Việt Nam luôn đề cao thái độ tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; đoàn kết, hòa thuận. Mỗi thành viên luôn coi trọng các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ. Ngôi nhà tượng trưng cho tổ ấm, là chốn đi về, là điểm tựa và cũng là nơi tụ họp của cả gia đình, dòng họ vào các dịp giỗ, tết. Ý thức đoàn kết, hòa thuận được nuôi dưỡng trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Từ sự cố kết của gia đình gắn liền với tính cố kết của làng xã, dân tộc, tạo nên sự kết nối vững chắc giữa gia đình với cộng đồng, tộc người và quốc gia.

3. Phát huy giá trị giáo dục chuẩn mực ứng xử với môi trường, xã hội, phát huy các tri thức, kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển cộng đồng

Ứng xử với môi trường sống để lựa chọn cách thích ứng phù hợp, đảm bảo cuộc sống mưu sinh và bảo vệ an toàn cho con người là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục của gia đình truyền thống Việt Nam.

Với mục tiêu tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người, gia đình đã có những giá trị trong truyền tải kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, tạo nên khu vực kinh tế tư nhân, mở rộng các hoạt động sản xuất và thương nghiệp linh hoạt, thích ứng với mọi điều kiện xã hội, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Cũng trong môi trường lao động sản xuất và kinh doanh, đạo đức của con người đã được rèn dũa, coi trọng sự sáng tạo và thái độ làm việc, yêu lao động, có trách nhiệm với công việc cá nhân và sự gắn kết giữa cá nhân với gia đình, cộng đồng.

Giá trị gia đình luôn được dày công vun đắp từ trong lịch sử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và chính sách quốc gia. Trong quá trình lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước, giá trị hiếu, nghĩa trong gia đình luôn được nhấn mạnh. Chữ hiếu trong gia đình truyền thống Việt Nam còn có nghĩa rộng hơn, gắn với quyền lợi của dân tộc, đất nước. Chính vì thế, gia đình được xem là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc…

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa/Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính