1. Những vấn đề cần thảo luận chuyên sâu
Bên cạnh lý do không ai thích đọc những tin nhắn, email dài như bài luận thì việc trao đổi qua văn bản như vậy cũng làm tốn thời gian của cả bạn và người kia.
Nếu đây là vấn đề công việc, hãy gửi email mời đối phương tham gia cuộc họp để thảo luận về vấn đề hiện tại.
Bạn có thể đính kèm một chương trình nghị sự về những vấn đề sẽ được thảo luận để người tham dự có thể chuẩn bị trước.
Cuộc họp nên có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể. Nếu cần thêm thời gian, hãy lên kế hoạch cho cuộc họp tiếp theo.
Đây là cách tôn trọng lịch trình và thời gian của mọi người cũng như sử dụng thời gian hiệu quả.
2. Tranh cãi giữa cặp đôi
Khi đã bên nhau lâu và nhất là sống chung, các cặp đôi thường tranh cãi qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào.
Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo về việc cãi nhau qua tin nhắn hay email, vì cả hai không thể đọc được ngữ điệu và ngôn ngữ hình thể của nhau qua tin nhắn nên dễ dẫn tới hiểu xấu lời nói của nhau.
3. Lời xúc phạm
Nếu bạn thấy cảm xúc của mình bắt đầu mất kiểm soát khi nhắn tin, hãy kìm chế lại. Khi nhắn tin bạn dễ dàng nói ra những lời mà sau này bạn sẽ thấy hối tiếc.
Theo chuyên gia, chúng ta dễ dàng nói ra những lời xúc phạm khi nhắn tin hơn là khi nhìn thẳng vào mắt người khác.
4. Những điều tiêu cực, châm biếm
Hãy nhớ rằng khi một tin nhắn hay email được gửi đi, người nhận có thể xem lại bất cứ lúc nào. Những tin nhắn, email đó cũng có thể được sử dụng làm chứng cứ hợp pháp trước tòa.
Do đó bạn nên gặp mặt trực tiếp giải quyết các vấn đề. Điều đó cho thấy bạn chuyên nghiệp và sẵn sàng có những cuộc trò chuyện khó khăn thay vì trốn sau màn hình máy tính.
5. Thông tin bí mật hoặc nhạy cảm
Những tin nhắn, email bạn gửi đi có thể được chuyển tiếp hoặc chụp màn hình và gửi cho bất kỳ ai khác trên thế giới đọc được.
Do đó đừng chia sẻ những sáng kiến mới của công ty, thông tin mật của doanh nghiệp hay những thông tin cá nhân bí mật, nhạy cảm.
6. Lời xin lỗi dưới bất kỳ hình thức nào
Việc gõ câu "Xin lỗi" chắc chắn sẽ dễ hơn nói ra thành lời, tuy nhiên điều đó cũng khiến lời xin lỗi bớt đi ý nghĩa của nó.
Nếu cần xin lỗi ai đó, bạn không nên nhắn tin để tránh hiểu lầm và truyền đạt sai thông tin. Hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho họ.
7. 'Chúng ta cần nói chuyện'
Bạn có thể cảm thấy câu nói khó hiểu này vô hại, vì bạn biết rõ mình đang cần nói chuyện theo kiểu nào. Nhưng với người nhận, câu nói này có thể khiến họ sợ hãi, lo lắng.
Ít nhất, bạn nên lịch sự hỏi xem đối phương có thời gian để trao đổi trực tiếp không vì bạn đang có chuyện muốn trao đổi.
8. Chia tay người yêu
Nói chia tay dù khó nhưng bạn nên tránh nói qua tin nhắn hay email. Điều này thường xảy ra bởi vì người chia tay không muốn đối mặt với người bị từ chối, vì sợ làm tổn thương đối phương hoặc đang né tránh phải gặp mặt.
Tuy nhiên nếu bạn đã hẹn hò với một người đủ lâu để quyết định chia tay thì chắc chắn việc chia tay qua tin nhắn là cách cư xử rất tệ.
9. Thổ lộ tình cảm
Bất kể bạn đang ở tuổi học trò, ngoài 20 hay là ngoài 50 thì lời thổ lộ "Anh yêu em/Em yêu anh" vẫn nên có ý nghĩa quan trọng và lần đầu thổ lộ không nên sử dụng cách thức nhắn tin.
Bên cạnh đó, điều gì sẽ xảy ra nếu đối phương không nhìn thấy tin nhắn của bạn trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày? Bạn sẽ cảm thấy ra sao? Hoặc nếu đối phương không định đáp lại lời thổ lộ của bạn?
Hãy tránh viễn cảnh này bằng cách thổ lộ trực tiếp.
10. Tin buồn (người qua đời)
Có rất nhiều lý do tại sao chủ đề cuộc trò chuyện này nên được chia sẻ trực tiếp mặt đối mặt. Điều này cho phép những cái ôm cần thiết và những lời cảm thông chân thành.
11. Thông tin thẻ tín dụng
Bạn định mua một món hàng trên mạng và nhận ra thẻ tín dụng bạn định dùng đang ở trong ví của vợ/chồng bạn. Có vẻ việc nhờ vợ/chồng bạn gửi một tin nhắn/email thông tin thanh toán là rất đơn giản, nhưng điều đó khiến bạn dễ bị ăn cắp thông tin thẻ tín dụng,
Email là một trong những hệ thống dễ bị hack nhất. Email và tin nhắn của bạn cũng không biến mất hoàn toàn, trừ khi bạn và người nhận đều xóa sạch sẽ trong hộp thư hay thùng rác.
Để cung cấp thông tin thẻ tín dụng từ xa, tốt nhất nên gọi điện để trao đổi.
12. Thông tin đăng nhập
Bạn không nên chia sẻ mật khẩu tài khoản cho mọi người qua tin nhắn hay email vì dễ bị hacker đánh cắp thông tin.
Nếu có ai đó gửi mật khẩu của bạn qua email, tốt nhất bạn nên đổi mật khẩu ngay lập tức.
13. Thông báo mang thai
Ngày nay, việc chia sẻ tin tức quan trọng với bạn bè trên mạng xã hội là điều bình thường, nhưng với chồng, người thân, bạn bè thân thiết của bạn nên được nghe trực tiếp từ bạn hoặc qua cuộc gọi điện thoại.
14. Những lời phê bình 'mang tính xây dựng'
Một nhân viên trong nhóm bạn vừa gửi email một dự án đã hoàn thành với những lỗi sai mà cậu ta vẫn thường mắc lặp đi lặp lại. Trước khi bạn định trả lời lại qua email về những lỗi sai đó, hãy cân nhắc việc trao đổi công việc trực tiếp.
Những phản hồi mang tính xây dựng qua email thường không được tiếp thu một cách có hiệu quả, ngược lại nó còn làm nảy sinh những vấn đề mới, trong đó có sự thiếu tin tưởng.
Hãy giữ những phản hồi tích cực qua email của bạn và sau đó trao đổi về những vấn đề không vui trực tiếp, để người nghe có thể hiểu được phản ứng của bạn tốt hơn.
(Theo Rd)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 14 điều người thông minh và tinh tế không bao giờ nói qua tin nhắn tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].