"Làm mẹ" hàng trăm em nhỏ nhưng chưa có được đứa con của riêng mình
Đó là câu chuyện về hành trình chữa trị hiếm muộn của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (1986) và anh Nguyễn Văn Thuyết (1982), quê Quảng Bình. Chị Tuyết là giáo viên một trường mầm non ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Năm 2010, sau thời gian gần 3 năm yêu thương tìm hiểu, chị Tuyết và anh Thuyết quyết định tiến tới hôn nhân, cùng vun vén xây dựng một gia đình nhỏ vẹn tròn hạnh phúc.
Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, mức lương giáo viên khi đó không đủ trang trải cuộc sống nên chỉ 2 tuần sau ngày cưới, anh Thuyết rời quê vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc, cô giáo Tuyết ở lại quê nhà tiếp tục công việc ở trường mầm non và phụng dưỡng chăm sóc gia đình nội ngoại hai bên.
"Mình là giáo viên nên không thể bỏ việc theo chồng vào Sài Gòn được, hai vợ chồng đành xa nhau. Cứ như vậy, một năm vợ chồng mình chỉ gặp nhau 2 lần vào đợt nghỉ hè và dịp Tết nguyên đán. Thời gian thấm thoát trôi qua, số lần vợ chồng mình gặp nhau trong suốt 3 năm trời chỉ đến chục lần…Xa chồng cũng có nhiều buồn tủi lắm, nhất là chưa có con. Chồng mình thấy vợ chồng xa nhau mãi không ổn nên năm 2013 anh ấy quyết định về quê làm việc và hai vợ chồng bắt đầu hành trình chữa trị".
Vợ chồng chị Tuyết đã thăm khám nhiều nơi, điều trị qua nhiều loại thuốc, đông tây y kết hợp nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy "tin vui" về nhà.
"Không thuốc gì hai vợ chồng mình chưa uống, chưa thử. Lên rừng xuống biển, ngược xuôi ai mách đâu có thuốc hay thầy giỏi vợ chồng mình cũng uống như đều không có kết quả. Năm 2014 hai vợ chồng vào Huế thăm khám, khi đó bác sĩ bảo chồng mình tinh trùng yếu và cho thuốc về điều trị, bồi bổ đợi có thai tự nhiên".
Sau bao lâu chờ đợi và hy vọng, năm 2016 tưởng chừng hạnh phúc đã tới, giấc mơ được bế bồng con yêu dường như sắp trở thành hiện thực khi chị Tuyết có thai tự nhiên. Nhưng giấc mơ ấy quá ngắn khi chỉ đến tháng thứ 3 của thai kỳ, sinh linh bé nhỏ bên trong cơ thể rời bỏ chị, để lại nỗi buồn xâm lấn mãi những ngày tháng sau này.
Năm 2019 chị Tuyết lại có thai tự nhiên lần 2 nhưng giống như lần trước, chị không giữ được con ở lại bên mình. Nỗi đau giằng xé trong tâm trí, chị Tuyết không hiểu vì sao khát khao về một đứa con lại khó với mình đến như vậy. Vượt qua những đau đớn bởi 2 lần "lỡ hẹn" với con, chị Tuyết còn phải đối mặt với biết bao lời gièm pha ngoài xã hội.
"Thời gian đó mình sốc lắm, nghĩ rằng sao số phận lại thử thách hai vợ chồng lâu đến thế, hạnh phúc có con yêu đã cận kề mà lại vụt mất. Hơn 10 năm đứng lớp, nhìn ánh mắt thơ ngây trong trẻo của các em nhỏ, cô giáo Tuyết lại càng khát khao thiên chức được làm mẹ. Gần như đêm nào mình cũng khóc, ngày đi dạy trên lớp nhìn các con nô đùa, cười nói ngây thơ mình vơi đi nỗi buồn nhưng cứ đêm về nhà là mình lại buồn tủi và khóc âm thầm trong đêm" - chị chia sẻ.
Không dám nghĩ về phương pháp IVF vì rào cản kinh tế
Chặng đường tìm con của các gia đình hiếm muộn luôn là những ngày tháng gian nan mòn mỏi mong chờ. Không phải ai cũng tới đích nếu thiếu sự kiên trì và khát khao không đủ lớn. Bên cạnh những trở ngại về mặt thời gian, chi phí tài chính cũng là rào cản lớn khiến nhiều cặp vợ chồng phải trì hoãn hành trình tìm con của mình.
Năm 2017 khi nỗi buồn đã nguôi ngoai, vợ chồng chị Tuyết một lần nữa vào thành phố Hồ Chí Minh thăm khám. Vẫn cho kết quả như lần khám trước, bác sĩ kết luận tinh trùng chồng yếu, dị dạng nhiều nên khó có thai tự nhiên. Ngày đó vợ chồng chị Tuyết cũng tìm hiểu phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, có thể giúp cho các gia đình hiếm muộn mong con chạm gần hơn đến giấc mơ con yêu nhưng vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên hai vợ chồng chỉ lấy thuốc về điều trị, chờ đợi sự may mắn đến thêm lần nữa.
"Ngày đó mình nghe nói làm IVF hết nhiều tiền lắm, mấy người quen có bảo là muốn làm IVF thì phải chuẩn bị trong tay cả tiền tỷ nên mình nản lắm. Hai vợ chồng động viên bảo thôi cố gắng thuốc thang để có con chứ tiền đâu mà can thiệp khoa học", chi Tuyết chia sẻ về lý do vì sao mong con 10 năm, thăm khám nhiều nơi nhưng chưa một lần thực hiện hỗ trợ sinh sản.
Sau lần thăm khám đó, vợ chồng chị Tuyết trở về quê tiếp tục thuốc điều trị, làm lụng tích góp vừa mong chờ "tin vui" đến vừa cố gắng tiết kiệm để chuẩn bị cho hành trình tìm con sau này.
"Mình muộn con có người thì thương cảm thấu hiểu động viên nhưng cũng không ít người độc miệng nói những lời đau lòng lắm. Có người còn bảo mình: Người ta tàn tật còn đẻ được, sao vợ chồng bay lại không đẻ được? Họ nói nhiều câu đau đớn lắm…"
Duyên lành với bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội và "phép màu" xuất hiện là hai "thiên thần" nhỏ
Vợ chồng chị Tuyết sau những ngày tháng tìm con trong vô vọng, tháng 10 năm 2021, hai vợ chồng quyết tâm dành hết số tiền tích góp để ra Hà Nội tìm con và thực hiện can thiệp hỗ trợ sinh sản. Biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội qua một vài người bạn đã đón con thành công, chị Tuyết anh Thuyết mang theo niềm hi vọng mới trong hành trình lần này.
"Năm đấy dịch Covid vẫn còn nhưng có người bạn giới thiệu nên vợ chồng mình quyết tâm vượt dịch để ra Hà Nội khám. Trước đây khi đến các bệnh viện khác khám thì em mang tâm lý lo lắng, sợ cảm giác đến viện nhưng khi bước chân đến đây thì thấy mọi người rất thân thiện, nhờ đó mà em đỡ lo và có thêm hi vọng, trong lòng nghĩ rằng lần này sẽ đón được con yêu về nhà", chị Tuyết chia sẻ.
Một tháng sau đó chị bước vào quá trình kích trứng, chọc trứng, tạo phôi. Mọi quá trình điều diễn ra thuận lợi, chị Tuyết tạo được 5 phôi tốt và 2 phôi khá. Đó là lần đầu tiên vợ chồng chị Tuyết làm IVF, còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng nhưng may mắn được sự động viên, đồng hành của các bác sĩ nên đã truyền thêm động lực cho hai vợ chồng.
"Chỉ một câu nói của bác sĩ Hưởng trên bàn chuyển phôi mà làm mình ấn tượng mãi - Chị cố gắng nhé, tự tin thoải mái con yêu sẽ sớm về với vợ chồng chị. Giờ bác sẽ đưa em bé phôi vào với mẹ nhé. Một câu đó thôi mà mọi lo lắng của mình tan biến hết, chỉ còn niềm tin về con yêu đang chờ mình thôi".
Thực hiện theo lời dặn của bác sĩ, bồi bổ và thoải mái tâm lý đợi sau chuyển phôi 10 ngày chị Tuyết mới bắt đầu thử que test có thai. Chị Tuyết kể lại: "Hơn 10 năm hiếm muộn, lần đầu tiên can thiệp hỗ trợ sinh sản IVF, bao cảm xúc làm mình luống cuống đến mức cầm que thử thai ngược, kết quả là que lên một vạch làm mình hú hồn. Lo lắng quá mình gọi chồng thì anh phát hiện mình thử que ngược và thử lại thì thấy 2 vạch nét căng. Hôm sau hai vợ chồng đi xét nghiệm beta thì bác sĩ thông báo đậu thai rồi. Chồng mình đã khóc ngay khi cầm trên tay kết quả thông báo có thai. Lần đầu tiên mình thấy anh khóc, anh khóc vì hạnh phúc đang rất gần".
Hạnh phúc lại nhân lên gấp bội khi hai tuần sau chị Tuyết đi siêu âm và được bác sĩ thông báo mang song thai, hai "sinh linh" bé nhỏ đang lớn lên dần trong cơ thể. Vượt qua nỗi lo lắng mất con ở 2 lần mang thai tự nhiên trước đây, lần này cả quá trình thai kỳ của chị Tuyết diễn ra thuận lợi. Ngày 02/10/2022, hai con yêu Nguyễn Ngọc Bình An và Nguyễn Ngọc Phú Quý chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của đại gia đình nội ngoại hai bên.
Vậy là từ nay, mong ước có những đứa con của riêng mình đã trở thành hiện thực với cô giáo mầm non Nguyễn Thị Tuyết. Không phải nghe những lời đàm tiếu từ bên ngoài, không phải một mình ôm nỗi buồn khóc giữa đêm khuya, không phải vội lau đi giọt nước mắt khi đang đứng lớp, hạnh phúc đã thực sự đến với đôi vợ chồng đầy kiên trì và nghị lực. Sau những cố gắng trên hành trình dài ấy là những "trái ngọt" được sinh ra từ tình yêu thương chia sẻ của gia đình, người thân và cả những bác sĩ giàu y đức.
Thấu hiểu "tiếng lòng" mong ngóng con yêu của các thầy cô giáo hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức chương trình “Tri ân Thầy Cô giáo – Gieo hạt yêu thương” dành tặng nhiều hỗ trợ đến các Thầy/Cô trong quá trình thăm khám và thực hiện Thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện. Các hỗ trợ ưu đãi bao gồm: miễn phí khám, siêu âm Doppler tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm nang noãn, chụp tử cung – vòi trứng; giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng (không bao gồm các xét nghiệm chuyên sâu) và tặng voucher 3 triệu đồng cho khách hàng thực hiện dịch vụ Thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện.
Chương trình diễn ra từ ngày 08/03 – 30/11/2024.
V.LinhBạn đang xem bài viết 12 năm kiên trì chữa hiếm muộn, vợ chồng cô giáo mầm non vỡ òa hạnh phúc khi đón con yêu tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].