Nói đến cảm lạnh, mọi người đều cảm thấy quá quen thuộc với các triệu chứng điển hình như: da lạnh tái, sởn gai lạnh dọc sống lưng, toát mồ hôi, hắt hơi, sổ mũi, ho khan…
Mặc dù là bệnh quen thuộc nhưng số người mắc bệnh vẫn ngày càng tăng lên, nhất là vào thời kỳ giao mùa, thời tiết chuyển lạnh đột ngột, mưa dầm lâu ngày...
Do đó, cần có những cách chữa cảm lạnh để khắc phục bệnh.
Trong Đông y gọi bệnh cảm lạnh là thương hàn, có nghĩa là cảm thương phải khí hàn.
Vào mùa đông và khi giao mùa hàn khí lưu hành, nếu cơ thể suy yếu thì chính khí không thể đối kháng được hàn khí, do đó hàn khí sẽ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ gây ra bệnh thương hàn.
Đông y gọi chính khí là khí dương hay còn gọi là năng lực tự vệ của cơ thể, có tác dụng chống lại các tác động từ bên ngoài vào như sự biến đổi thời tiết, khí hậu như gió, mưa, nóng, lạnh.
Ban ngày khí dương ở ngoài mặt da, ban đêm lui vào tạng phủ.
Vì thế người ta hay bị cảm lạnh sau một đêm ngủ mà không mặc đủ ấm hoặc nằm nơi có nhiều gió lùa hoặc để quạt thổi trực tiếp vào người.
Ngoài ra, theo Đông y, vùng đầu mặt cổ là nơi hội tụ của tất cả các kinh dương trong cơ thể, vì thế vùng đầu mặt là nơi chịu rét tốt nhất trong cơ thể.
Vùng phía sau cơ thể là vị trí của hai đường kinh thái dương, đó có thể coi như cửa ngõ biên giới tuyến đầu bảo vệ cơ thể, vì thế thường khi gặp gió lạnh ở phía nào thì ta quay lưng về phía đó sẽ đỡ lạnh hơn.
Khí lạnh muốn xâm nhập được vào cơ thể thì phải phá vỡ được phòng tuyến đó nên những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh là thấy ớn lạnh dọc sống lưng, đau nhức mỏi cổ vai gáy, nhức đầu và lạnh buốt hai chân.
Để chữa cảm lạnh, Lương y Nguyễn Thị Thanh Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sưu tầm và chỉ dẫn người bệnh cách sử dụng một trong các bài thuốc dân gian đơn giản dưới đây để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
1. Cháo hành, tía tô và gừng tươi
Lá tía tô, dọc hành tươi, mỗi thứ 20g; gừng tươi 12g. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Múc ra tô rồi trộn chung với tía tô, hành, gừng. Thêm gia vị và ăn nóng, đắp mền cho ra mồ hôi.
Có thể cho vào cháo nóng một lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, bổ sung dinh dưỡng.
2. Uống nước gừng tươi và hành trắng
Gừng tươi 15g – 20g, hành trắng (cả dọc hành và lá hành) 15g.
Hai thứ rửa sạch, cắt nhỏ, nấu với 500ml nước, để sôi khoảng 10 phút. Uống nóng rồi đắp mền cho ra mồ hôi.
3. Lá xông
Dùng 3 - 5 loại lá trong số các thứ: tía tô, sả, kinh giới, bạc hà, ngải cứu, chanh, bưởi để nấu nồi nước xông cho ra mồ hôi, sát trùng đường hô hấp. Xông xong, lau khô mình không để cơ thể nhiễm gió lạnh.
4. Gừng tươi và rượu trắng
Gừng tươi một củ, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã nát rồi xào nóng với chút rượu trắng, bọc vào túi vải sạch để đánh gió khắp người cho ra mồ hôi.
Với các bài thuốc dân gian chữa cảm lạnh từ những loại thảo dược đơn giản mà hiệu quả trên đây, các bạn sẽ không còn phải lo lắng khi thời tiết trở lạnh nữa.
Lưu ý: Liều dùng trên đây là cho người lớn. Trẻ em tùy tuổi có thể dùng với liều bằng 1/2 hoặc 1/3, Lương y Nguyễn Thị Thanh Xuân khuyến cáo.
Linh NhiBạn đang xem bài viết 4 bài thuốc dân gian chữa cảm lạnh đơn giản mà hiệu quả tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].