Báo Điện tử Gia đình Mới

Ngành Y tế Hà Nội triển khai nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện công lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội đã tiếp nhận và khám chữa bệnh cho 6.615.068 lượt người bệnh; nhiều kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao đã được các bệnh viện triển khai.

Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Trong thời gian vừa qua, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được ngành y tế Hà Nội triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân Thủ đô.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã định hướng, khuyến khích các chuyên khoa đầu ngành phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; tăng cường chỉ đạo tuyến, hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới triển khai các kỹ thuật mới tại bệnh viện.

Nhiều bệnh viện tuyến dưới của Hà Nội triển khai các kỹ thuật mới

Nhiều bệnh viện tuyến dưới của Hà Nội triển khai các kỹ thuật mới

Nhờ vậy mà hiện tại, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được thực hiện tại các bệnh viện như: chuyên ngành gây mê hồi sức với kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạch đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; chuyên ngành ngoại khoa làm chủ kỹ thuật ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; chuyên ngành răng hàm mặt là các kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong sỏi ống tuyến, cấy implant một thì, áp dụng công nghệ số trong vi phẫu răng hàm mặt…

Còn trong chuyên ngành sản phụ khoa là kỹ thuật can thiệp bào thai với nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu trong song thai và dải xơ buồng ối, truyền dịch buồng ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; nhi khoa với theo dõi cung lượng tim PiCCO, hạ thân nhiệt chỉ huy, phẫu thuật nội soi một lỗ nâng cao ở trẻ em…

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến thành phố tích cực hợp tác quốc tế và trong nước để tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ y học mới trong chẩn đoán và điều trị; Các bệnh viện tuyến huyện chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến thành phố để nâng cao kỹ thuật tại đơn vị; Phẫu thuật nội soi được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.

Trong thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã bổ sung thêm 2 chuyên khoa đầu ngành về Dược lâm sàng và Giải phẫu bệnh, nâng tổng số chuyên khoa đầu ngành của ngành y tế lên 30. Các bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới cho các bệnh viện tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ nhân lực khi cần.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên (gồm BV ĐK Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 TTYT quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và TTYT ngoài Hà Nội). Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các dịch bệnh chân tay miệng, Adenovirus, sốt xuất huyết… ngay khi Bộ Y tế ban hành.

Nhiều cơ sở y tế của Hà Nội đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Nhiều cơ sở y tế của Hà Nội đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Đạt hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh

Việc triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại các cơ sở y tế đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế Thủ đô. Nhờ vậy mà trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện công lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội đã tiếp nhận và khám chữa bệnh cho 6.615.068 lượt người bệnh; điều trị ngoại trú 1.611.231 lượt; điều trị nội trú 908.606 lượt.

Tổng số phẫu thuật đã thực hiện trong 9 tháng năm 2023 là 203.738 lượt; tổng số thủ thuật là 2.486.866 lượt; tổng số xét nghiệm máu 29.546.219 lượt; 4.703.996 lượt chẩn đoán hình ảnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong số 6.615.068 lượt người bệnh đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 4.092.921 lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó điều trị ngoại trú 1.206.131/1.611.231 lượt, chiếm 75%; điều trị nội trú 732.799/908.606 lượt (80,65%).

Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở y tế, do đó giải quyết triệt để các vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Để đạt được những kết quả nói trên phải kể đến việc các bệnh viện tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện; giám đốc bệnh viện; Sở Y tế tại nơi người bệnh, người nhà người bệnh dễ thấy, dễ tiếp cận, giải quyết kịp thời các ý kiến thắc mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh. Kết quả thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người bệnh cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú là 96,96%, ở người bệnh ngoại trú là 95,97%.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh, các cơ sở y tế của Hà Nội đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. Các bệnh viện từng bước hoàn thiện phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS, LIS, PACS, kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện… Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám qua Face ID tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Phụ sản… Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử là Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức…

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động chuyên môn kịp thời, hiệu quả.

Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh trong toàn ngành tập trung thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, nội trú, đặc biệt là điều trị bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Đối với các chuyên khoa đầu ngành, cập nhật các phác đồ điều trị mới, quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc người bệnh cho các tuyến.

Các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO