Ngày 13/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã đưa ra thông báo thu hồi 29 loại thuốc Valsartan và 51 loại thuốc chứa thành phần Valsartan trong nước này.
Vào ngày 5/7, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng yêu cầu thu hồi các loại thuốc có Valsartan xuất xứ từ công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (ZHP) của Trung Quốc.
Nguyên nhân là do phát hiện trong lô thuốc Valsartan do ZHP điều chế có chứa N-Nitrosodimethylamine (NDMA) - một chất có thể gây ung thư. Ủy ban Y tế Trung Quốc khuyến cáo bác sĩ và bệnh nhân không nên sử dụng những thuốc bị yêu cầu thu hồi này để điều trị bệnh.
Theo thử nghiệm NDMA trên động vật chứng minh chất này sẽ gây ảnh hướng tiêu cực đến gan, thận, và đường hô hấp. Vì thế, đã có 2.300 lô thuốc Valsartan do Công ty ZHP Trung Quốc sản xuất bị thu hồi khắp thế giới vì chứa tạp chất gây ung thư này.
Bộ Y tế của Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu ngừng việc nhập khẩu, sản xuất và lưu hành 23 loại thuốc chứa Valsartan do công ty Huahai sản xuất.
Alex Jiang, một nhà phân tích thuộc Ngân hàng Đầu tư UOB Kay Hian cho biết vụ bê bối của công ty Huahai có thể làm ảnh hưởng đến những nỗ lực xuất nhập khẩu thuốc của Trung Quốc trong 3 năm vừa qua. Đặc biệt tác động đến các công ty sản xuất và những công ty đầu tư, tham gia vào lĩnh vực sản xuất thuốc.
Ở Việt Nam hiện có 111 loại thuốc có chứa Valsartan được Bộ Y tế cấp số lưu hành, trong đó có 23 loại thuốc sử dụng nguyên liệu Valsartan do Công ty ZHP Trung Quốc sản xuất. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm ngừng nhập khẩu, sản xuất và lưu hành với 23 loại thuốc này.
Cụ thể có 8 công ty được liệt kê trong danh sách buộc phải thu hồi tất cả thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc. 4 công ty trong số này đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Công ty cổ phần dược phẩm OPV (trụ sở chính ở số 27, đường 3A, KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) thu hồi các loại thuốc sau: Opevalsart 40, Vasaratim 80, Vasaratim Plus 160:25, Vasaratim 40, Halotan 160, Halotan 40, Halotan 80, Opevalsart 80, Vasaratim 160.
Công ty cổ phần nhập khẩu Y tế DOMESCO (số 66, quốc lộ 30, phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thu hồi gồm: Doraval 80mg, Doraval plus 160mg/25mg, Oraval plus 80mg/12,5mg.
Công ty cổ phần Hóa dược Việt Nam (192 Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội) thu hồi thuốc Ocedio.
Công ty CPDP Trung ương 2 (số 9, phố Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thu hồi thuốc Tolzartan Plus.
Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (số 150, đường 14/9, phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) thu hồi thuốc Valsartan 80.
Công ty cổ phần PYMEPHARCO (166-170 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) gồm các loại: Pyvasart 160, Pyvasart 40, Pyvasart 80, Pyvasart HCT 80/12.5.
Công ty TNHH Liên doanh STADA Việt Nam (K63/1, Nguyễn Thị Sóc, Bà Điểm, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) gồm: Valsartan STADA 160mg, Valsartan STADA 80mg.
Chi nhánh công ty TNHH LD Stada Việt Nam (Số 40 Đại lộ Tự Do, Khu công nghiệp Việt Nam,Singapore, Phường An Phú, TX Thuận An, Bình Dương) gồm: Valsartan stada 40mg, Valsartan STADA 80mg.
Sau khi có thông tin trên, người bệnh đang sử dụng thuốc có chứa Valsartan vô cùng hoang mang, lo lắng. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia Trung Quốc, công ty dược phẩm Huahai đã hoàn tất thu hồi thuốc Valsartan trong nước.
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý cũng khuyến cáo người bệnh không nên dừng sử dụng những loại thuốc này đột ngột, do có thể dẫn đến những nguy hiểm khác. Nếu có bất cứ nghi ngờ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế hoặc hỏi ý kiến chuyên gia để thay đổi thuốc khác.
Bác sĩ Walter Clair - Chuyên gia tim mạch kiêm Giám đốc Chuyên môn Viện tim mạch Vanderbilt - khuyến cáo: "Valsartan là loại thuốc đặc trị cho những trường hợp bệnh lý nghiêm trọng, vì thế, nếu dừng thuốc ngay lập tức trước khi tìm được loại thuốc thay thế, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm".
Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia (Trung Quốc) cũng thông báo tất cả cơ sở cung cấp thuốc trong nước cần dừng mua bán thuốc Valsartan của công ty dược Huahai.
Rosemary Gibson - Chuyên viên tư vấn của trung tâm đạo đức sinh học The Hastings - chia sẻ quan ngại về những loại thuốc gán mác "Made in China" có thật sự đáng tin, và khả năng gây ảnh hưởng của nó với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bà cho biết: "Hiện các loại thuốc sản xuất từ Trung Quốc đang bị mất uy tín. Ai cũng muốn sử dụng những thuốc an toàn đối với sức khỏe, nhưng thuốc Valsartan chứa chất độc có nguy cơ gây ung thư khiến công chúng đặt ra câu hỏi liệu những dược phẩm khác có đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu hay không".
Kim OanhBạn đang xem bài viết Vụ 23 loại thuốc xuất xứ Trung Quốc bị thu hồi: Sẽ nguy hiểm nếu dừng sử dụng đột ngột tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].