Chủ yếu xuất sang Trung Quốc
Do biến động về thời tiết, sản lượng vải thiều năm nay chỉ bằng 70% so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, GlobalGap ngày càng rộng rãi, nên chất lượng, mẫu mã quả vải Bắc Giang được nâng cao rõ rệt so với các năm trước.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2017 giá vải thiều Lục Ngạn (loại vải ngon nhất, trồng ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã tăng lên gần 50%. Nhiều gia đình nông dân trồng vải ở đây đã thu được hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, quan trọng của vải thiều xuất khẩu Bắc Giang.
Dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 50.000 tấn, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 40.000 tấn, chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu.
Tại sao vải thiều Bắc Giang lại trở thành sản phẩm “hot” ở thị trường Trung Quốc như vậy? Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu, do được hưởng mức thuế quan 0% của Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN nên giá quả vải xuất khẩu sang Trung Quốc khá cạnh tranh.
Hiện giá vải từ Việt Nam tới Trung tâm kiểm nghiệm kiểm dịch Bằng Tường dao động từ 10 - 12 nhân dân tệ/kg (tương đương với khoảng 34.000 - 40.000 đồng/kg).
Giá vải này còn thấp hơn giá vải thiều (loại ngon) tại các siêu thị BigC trong nước, hiện lên tới 68.000 đồng/kg.
Việc lưu thông của quả vải Việt sang Trung Quốc cũng rất tiện lợi, chỉ mất 3 ngày để đến tay người tiêu dùng.
Trong các địa phương của Trung Quốc, Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) được đánh giá là điểm trung chuyển quan trọng để đưa quả vải tới các thành phố khác.
Tác dụng không ngờ của quả vải
Trong khi ngày càng được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài thì những tác dụng của quả vải dường như chưa được người Việt Nam hiểu hết.
Ngoài tác dụng như một loại hoa quả rất ngon miệng, quả vải còn là một loại thuốc.
Cùi vải chứa rất nhiều các thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe con người như các loại đường glucose, sacharose, protein, acid citric, ascorbic, nicotic, ribofl avin, caroten và các nguyên tố vi lượng Ca, P, Fe…
Do chứa lượng đường cao (trên 70% thành phần), nên cùi vải có tác dụng bổ sung năng lượng, gia tăng dinh dưỡng.
Cùi vải sấy khô (còn gọi là long vải) được sử dụng như một vị thuốc, có tác dụng gia tăng đề kháng, ích khí, bổ não, tiêu viêm.
Khi kết hợp với một vài vị thuốc Nam khác, cùi vải có thể trở thành vị thuốc quý chữa tiêu chảy, giải độc, giảm trào ngược, chữa nấc, hen suyễn…
Hạt vải, hoa vải, vỏ thân và rễ cây vải cũng được các thầy thuốc Đông y sử dụng như một vị thuốc quý, chữa các bệnh đau răng, sưng đau tinh hoàn,
Gần đây, với sự sáng tạo của các đầu bếp, quả vải Việt Nam còn được đưa vào nhiều món ăn hấp dẫn. Vải xào tôm, gỏi vịt quay vải, cháo quả vải hạt sen, gà nấu vải… là một số món ăn được ưa thích.
Vải là loại quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Vì sao quả vải thiều Bắc Giang được Trung Quốc ưa chuộng? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].