Vì sao người bị tăng huyết áp dễ bị đột quỵ?
Theo ThS.BS Đặng Duy Gia, Khoa thông tim can thiệp, Viện Tim TP.HCM, huyết áp là áp lực của dòng máu lên động mạch. Huyết áp cao có nghĩa là lực đẩy máu vào hai bên động mạch luôn ở mức cao. Điều này có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc suy thận…
Có hai chỉ số đại diện cho huyết áp, đó là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, được tính bằng milimet thuỷ ngân (mmHg). Huyết áp tâm thu cao hơn (được liệt kê đầu tiên), cho thấy áp lực trong khi tim đang đập, huyết áp tâm trương nhỏ hơn, cho thấy áp lực khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập.
Huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg, tăng huyết áp là khi chỉ số huyết áp từ trên 140/90mmHg hoặc khi đang được điều trị bằng một thuốc hạ huyết áp.
Tăng huyết áp gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm lòng động mạch bị tổn tưởng, các mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch. Mạch máu càng xơ vữa thì lòng mạch máu càng hẹp lại gây tăng áp lực.
Khi bị tăng huyết áp sẽ tăng gánh nặng cho tim và làm hỏng các động mạch và các cơ quan của cơ thể theo thời gian. So với những người có huyết áp bình thường, những người bị tăng huyết áp có khả năng bị đột quỵ cao hơn.
Bởi, tăng huyết áp lâu ngày làm tăng xơ vữa động mạch, chính sự nứt ra của mảng xơ vữa dẫn đến hình thành cục máu đông, gây ra hẹp tắc lòng mạch.
Có đến 87% số người bị đột quỵ là do mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc trong não, dẫn đến giảm lượng máu đến các tế bào não, làm cho các tế bào não bị chết, đây là dạng đột quỵ nhồi máu.
Có khoảng 13% của đột quỵ xảy ra khi một mạch máu bị vỡ trong hoặc gần não, đây là đột quỵ dạng xuất huyết.
Chính tăng huyết áp làm cho tăng áp lực các động mạch ở não, làm phát triển vi phình mạch não, dẫn đến một mạch máu nào đó có thể bị vỡ, làm chảy máu trong não.
Ngoài ra, tăng huyết áp lâu ngày dẫn đến rung nhĩ. Rung nhĩ cũng có thể gây ra các cục máu đông và những cục máu đông này đi lên não dẫn đến nhồi máu não, đi vào tim gây nhồi máu cơ tim. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát tăng huyết áp là rất quan trọng để giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Có khoảng 90% gánh nặng đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được, với khoảng 75% là do các yếu tố hành vi như hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém và ít hoạt động thể chất. Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và hành vi có thể ngăn chặn hơn 3/4 gánh nặng đột quỵ toàn cầu.
Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, do đó, việc kiểm soát huyết áp là cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và dự phòng đột quỵ tái phát.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp có thể kiểm soát
– Hút thuốc lá và tiếp xúc với người hút thuốc
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh béo phì, thừa cân
– Cholesterol máu cao
– Chế độ ăn uống không lành mạnh: nhiều muối, thừa mỡ, uống nhiều rượu
– Không hoạt động thể chất
– Tình trạng căng thẳng về tâm lý
Có thể kiểm soát tăng huyết áp và hạn chế nguy cơ bị đột quỵ não như thế nào?
– Không hút thuốc và tránh khói thuốc
– Giảm cân nếu bạn thừa cân
– Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, mà có ít muối, chất béo
– Ăn tăng trái cây và rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, bao gồm thực phẩm giàu kali
– Tăng cường vận động thể lực
– Hạn chế rượu không quá 02 ly/ngày nếu bạn là nam giới và 01 ly/ngày với nữ giới
– Uống thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sỹ và theo dõi huyết áp hằng ngày
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao bị đột quỵ? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].