Giang hồ trở thành thần tượng
Ngày 3/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) khởi tố bị can Ngô Bá Khá (26 tuổi, tức Khá Bảnh) về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Ban chuyên án đã thu giữ một số vật chứng liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của Ngô Bá Khá và đồng bọn gồm: Một ngày cáp đề của Khá Bảnh (thu gần 100 triệu đồng tiền mặt), hai máy tính xách tay, một máy tính để bàn, ba gậy bóng chày, một đao, 4 dao nhọn, một xe ô tô KIA Sorento biển kiểm soát 99A - 196.53 cùng một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Trước đó, năm 2011, Khá Bảnh bị đưa vào trường giáo dưỡng. Sau đó, liên tiếp trong hai năm 2014, 2016, Khá bị Công an thị xã Từ Sơn bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng...
Rõ ràng, Khá Bảnh là một đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật, có những phát ngôn gây sốc, quay clip những hình ảnh bạo lực, nhưng điều đáng ngạc nhiên và lo lắng là nhân vật này lại đang trở thành "thần tượng" của rất nhiều thanh, thiếu niên, đặc biệt là giới học sinh.
Mỗi khi Khá Bảnh xuất hiện, giới trẻ chào đón, xin chụp hình cùng như người hùng. Trang Youtube của Khá Bảnh có tới 2 triệu người đăng ký, Facebook của đối tượng này có 700.000 lượt theo dõi.
Đâu là nguyên nhân?
Giải thích về hiện tượng giới trẻ "thần tượng" Khá Bảnh, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội cho rằng: "Việc Khá Bảnh xây dựng hình ảnh một người ngang tàng, sống tự do, cố tình gây chú ý bằng những hành động nguy hiểm, phá luật, lệch chuẩn, phát ngôn sốc lại tạo nên sự kích thích với giới trẻ.
Với những người có văn hóa thì những câu từ, lời lẽ, hành vi của nhân vật này rất khó có thể chấp nhận.
Tôi lo ngại khi giới trẻ hiện nay thần tượng, chào đón, thậm chí cổ súy, bắt chước những nhân vật này. Tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức của thanh niên có chiến lược, định hướng để giúp đỡ giới trẻ nhìn nhận đúng.
Với giới trẻ, tôi cho rằng có những người theo dõi Khá Bảnh trên mạng xã hội vì tò mò. Giới trẻ hay tò mò, và họ có quyền tò mò, nhưng nếu tò mò mà không có bản lĩnh, không phân biệt được cái gì phù hợp, cái gì không phù hợp thì rất nguy hiểm.
Thanh, thiếu niên cần học hỏi bản lĩnh, cần có cái nhìn phê phán đối với thực trạng xã hội. Phê phán không có nghĩa là chê tất cả mà chúng ta phải phân tích những điều gì là tích cực, điều gì là tiêu cực, điều gì phù hợp để các bạn có cách ứng xử đúng đắn".
PGS Trịnh Hòa Bình thì cho rằng, nguyên nhân Khá Bảnh nổi tiếng, được giới trẻ thần tượng là bởi giới trẻ hiện nay rất dễ bị tác động bởi những điều xấu. Thanh thiếu niên thời đại 4.0 hâm mộ những nhân vật có thể tự tạo ra luật lệ, môi trường và cuộc sống của chính mình, dám làm những việc người thường không dám.
Theo PGS Trịnh Hòa Bình, việc những thanh thiếu niên thần tượng các đối tượng “giang hồ mạng” về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính họ.
Hiện tượng trên cho thấy sự tò mò, nhu cầu thể hiện cái tôi khác biệt của một số bạn trẻ. Chúng ta không thể ép con em mình ngay lập tức ngừng hâm mộ Khá Bảnh hay những cá nhân tương tự, song cần chỉ cho chúng thấy nếu sự yêu thích này ở mức thái quá sẽ dẫn tới hậu quả gì, đặc biệt là khi các em có biểu hiện bắt chước thần tượng.
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để các bạn trẻ nhận thức được trào lưu nào là tốt, xấu. Trong hoàn cảnh này, phụ huynh cần thường xuyên gần gũi, chia sẻ với con, không để con đơn độc ttrong thế giới mạng để có sự điều chỉnh kịp thời, đồng thời tăng cường kết hợp với nhà trường hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với đơn vị, cá nhân cố tình đưa thông tin tác động xấu đến giới trẻ lên mạng nhằm ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc hại ngay từ đầu, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Vì sao giới trẻ lại thần tượng 'giang hồ mạng' như Khá Bảnh? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].