Hiện, khái niệm văn hóa gia đình cũng có khá nhiều cách hiểu khác nhau tùy thuộc vào quan điểm và góc độ tiếp cận của các nhà nghiên cứu.
Cách tiếp cận cấu trúc – thành tố thường đưa ra những định nghĩa theo kiểu liệt kê các yếu tố cấu thành nền văn hóa gia đình như: cách ứng xử, các quan hệ đạo lý, chuẩn mực, khuôn phép trong sinh hoạt, các quan hệ tình cảm vợ chồng, việc chăm sóc giáo dục con cái, việc thờ cúng tổ tiên, quan hệ giữa gia đình với xóm giềng, bạn bè…
Cách tiếp cận giá trị thường quy nội hàm văn hóa gia đình về các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của đời sống gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải chấp nhận và có nghĩa vụ thực hiện.
Tuy nhiên, các quan niệm như trên thường hoặc là quá rộng, hoặc là quá đơn giản, chưa chỉ ra được những đặc trưng bản chất của khái niệm văn hóa gia đình, chưa tính đến những chiều cạnh khách quan của văn hóa nảy sinh trong quá trình tương tác giữa người với người trong một bối cảnh lịch sử, tự nhiên, văn hóa và xã hội nhất định.
Tác giả Lê Ngọc Văn đưa ra khái niệm: Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, tộc người, dân tộc và các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội.
Xuất phát từ cách hiểu khái niệm văn hóa gia đình như trên, việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình sẽ có các nội dung chính như sau:
1. Xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử trong gia đình
Việc xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử này phải được đặt trong các mối quan hệ đa chiều:
– Thứ nhất, xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử của các thành viên trong gia đình, mà cụ thể là: Ứng xử trong quan hệ vợ – chồng; Ứng xử trong quan hệ cha mẹ – con cái; Ứng xử trong quan hệ ông bà – con cháu và anh chị em trong gia đình.
– Thứ hai, xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử giữa gia đình với dòng tộc.
– Thứ ba, xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử giữa gia đình với cộng đồng.
2. Xây dựng các điều kiện vật chất trong đời sống gia đình
Bất kỳ gia đình nào cũng cần có nền tảng kinh tế – vật chất để trụ vững và tồn tại. Các điều kiện vật chất có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường văn hóa gia đình. Do vậy, việc xây dựng các giá trị kinh tế – vật chất của gia đình trong quá trình chung sống cũng rất quan trọng.
3. Xây dựng các điều kiện tinh thần trong đời sống gia đình
Đó là những điều kiện giúp nâng cao, vun đắp, làm giàu đời sống tinh thần của mỗi gia đình. Về cơ bản có thể quy về các nội dung: Nâng cao hiệu quả việc giáo dục đạo đức, nhân cách, trao truyền văn hóa trong gia đình; Hợp lý hóa việc tổ chức đời sống gia đình trên phương diện tinh thần; Định hướng việc tổ chức đời sống tín ngưỡng, tâm linh trong gia đình phù hợp với đạo lý và quy định của pháp luật; Giáo dục, nâng cao nhận thức về chức năng duy trì nòi giống của gia đình và hiểu biết về vấn đề tình dục…
Về cơ bản, các nội dung nêu trên nhằm đáp ứng đầy đủ các chức năng của gia đình là: Chức năng duy trì nòi giống và thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm; Chức năng kinh tế; Chức năng tổ chức đời sống; Chức năng giáo dục.
Nói cách khác, xây dựng môi trường văn hóa gia đình ở đây là việc tạo dựng những điều kiện thuận lợi nhằm điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và giữa gia đình với cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam phù hợp với các tiêu chí cơ bản trong xây dựng “gia đình văn hóa” với 4 tiêu chí:
- Gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc;
- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình;
- Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân;
- Đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư.
Theo Vụ Gia đìnhBạn đang xem bài viết Văn hóa gia đình và xây dựng môi trường văn hóa gia đình tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].