Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.
Trong số đó, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất dự kiến sẽ thử nghiệm trên người tình nguyện trong tháng 11 năm nay sau khi hoàn thiện hồ sơ.
Ngày 2/11 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với Học viện Quân Y, để chuẩn bị cho việc thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ cử một nhóm chuyên gia để giám sát quá trình thử nghiệm này.
TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nhấn mạnh, Bộ Y tế hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất về thẩm định, phê duyệt để việc thử nghiệm vắc xin COVID-19 được triển khai sớm nhất, dự kiến trong tháng 11 này. Tuy nhiên, nghiên cứu này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu (tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19).
Đáng chú ý, do chưa từng tiêm trên người, đơn vị thực hiện nghiên cứu lâm sàng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế về kỹ thuật cũng như đạo đức.
Đặc biệt, cơ sở nghiên cứu lâm sàng phải được Bộ Y tế thẩm định đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, giúp đánh giá về hiệu quả của vắc xin sau khi tiêm trên người tình nguyện và đảm bảo an toàn cho người tình nguyện.
Ngày 27/10 vừa qua, Vabiotech, Bộ Y tế đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên khỉ, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đua tìm “lời giải” cho đại dịch COVID-19.
Thử nghiệm vắc xin trên khỉ là một bước của giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng. Những con khỉ được thử nghiệm là loài khỉ vàng được nuôi tại Trại chăn nuôi khỉ đặt trên đảo Rều, Quảng Ninh.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết, vắc xin COVID-19 được sử dụng để thử nghiệm tiền lâm sàng trên khỉ sẽ có mô hình gần giống với loại sau này dự định tiêm cho người. Vắc xin gồm 2 mũi tiêm, mũi thứ nhất, cách mũi thứ hai 18-21 ngày.
V.LinhBạn đang xem bài viết Vắc-xin COVID-19 'Made in Việt Nam' sẽ được thử nghiệm trên người vào cuối tháng 11 tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].