Tôi đang mang thai lần đầu và được 2 tháng. Từ tháng đầu tiên, cơ thể tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi bởi các triệu trứng thai nghén như buồn nôn, nôn.
Có người chỉ cho tôi cách uống nước mía sẽ giúp khỏe mạnh, cải thiện tình trạng nôn nghén, tinh thần thoải mái. Nhưng tôi lo sợ đường trong nước mía ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và thai nhi.
Tôi có nên uống nước mía không và uống thế nào thì tốt cho sức khỏe? (Hà Thị Ngân, Thanh Xuân, Hà Nội)
ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết: Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ mang bầu thường có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi,…
Lúc này, chị em nên bổ sung nước mía để giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái và hạn chế tình trạng buồn nôn. Một ly nước mía kèm theo nhánh gừng đập dập sẽ giải quyết nhanh tình trạng ốm nghén ở mẹ bầu.
Hơn nữa, nước mía lại rất tốt cho sức khỏe, nhất là bà bầu. Bởi nước mía là loại nước ép tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Thành phần dinh dưỡng của nước mía chủ yếu là đường. Trong 100ml nước mía có khoảng 12g đường. Ngoài ra, mía còn chứa nhiều loại vitamin A, B, C,… và các khoáng tố quan trọng khác như canxi, sắt, kali,…. Với giá trị dinh dưỡng trên, nước mía rất cần thiết đối với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
Việc uống nước mía trong thời kỳ mang thai không chỉ giúp các mẹ có đủ năng lượng chăm sóc thai nhi mà còn giúp cải thiện tình trạng thai nghén, làm đẹp da, giảm táo bón và phòng chống bệnh tật.
Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lo sợ hàm lượng đường có trong mía sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé, điều này là có cơ sở vì nước mía chứa nhiều đường.
Để tốt cho sức khỏe cả 2 mẹ con, mỗi ngày, bà bầu không nên uống quá 1 ly nước mía. Những thai phụ tăng cân quá nhanh, có biểu hiện của đái tháo đường thai kỳ thì không nên sử dụng nước mía.
Ngoài ra, bà bầu cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ các loại rau xanh, hoa quả tươi.
Điều quan trọng nhất là bà bầu cần đi thăm khám sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ khuyến cáo.
Bạn đang xem bài viết Uống nước mía có giúp giảm tình trạng nôn nghén ở bà bầu không? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].