Lập kế hoạch chi tiết về lấy mẫu, tầm soát, truy vết
Tham gia trong Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế trợ giúp Bắc Giang chống dịch có một nhóm chuyên gia trẻ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Trong số đó có TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người đã có kinh nghiệm trợ giúp Đà Nẵng, Hải Dương trong những đợt dịch trước đây.
Theo ông Nghĩa, tình hình dịch tại Bắc Giang lần này khác rất nhiều so với những ổ dịch tại các địa phương trước đó kể cả về quy mô, mức độ lẫn thời gian diễn biến.
Trong bất cứ đợt dịch nào, khâu điều tra, giám sát dịch đều được xác định là nhiệm vụ đi trước, một mắt xích quan trọng mở màn cho một cuộc chiến. Chính vì vậy, nếu khâu này làm không tốt sẽ khiến cho những công đoạn về sau trở nên khó khăn chất chồng.
Nhận thức được trách nhiệm nặng nề, nhóm chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Trần Như Dương đã bắt tay ngay vào việc xây dựng giúp tỉnh Bắc Giang kế hoạch khung về lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát, truy vết hết sức rõ ràng.
Kế hoạch khung không quy định cụ thể phải lấy bao nhiêu mẫu, nhưng định hướng rõ cho các huyện các loại mẫu xét nghiệm cần phải lấy; mục đích, ý nghĩa của từng loại để từ đó xác định loại mẫu nào cần phải ưu tiên lấy trước và ưu tiên lấy trước ở địa điểm nào (dựa vào việc phân loại các nhóm đối tượng từ nguy cao tới thấp).
Từ kế hoạch khung, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, các huyện tiếp tục phát triển và xây dựng kế hoạch lấy mẫu chi tiết của huyện theo từng ngày. Ưu tiên huyện nào đang có ổ dịch phải đi lấy mẫu ngay để chống dịch, huyện nào có nguy cơ ít thì chú trọng lấy mẫu diện rộng tại cộng đồng để đánh giá nguy cơ.
Chỉ khi có kế hoạch chi tiết trong tay, các cơ quan quản lý nhà nước mới có một cái nhìn tổng thể, bao quát để điều phối các lực lượng (nội tại sẵn có lẫn chi viện) một cách hợp lý, qua đó đảm bảo tính hệ thống, chiến lược, khoa học và hiệu quả trong công tác lấy mẫu.
Từ kế hoạch lấy mẫu, nhóm chuyên gia Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang xây dựng sơ đồ lấy mẫu tại thực địa. Theo sơ đồ này, việc tổ chức lấy mẫu tại các địa bàn được diễn ra quy củ, khoa học. Khu vực lấy mẫu phải đảm bảo về mặt giãn cách phòng chống dịch, tránh lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế lẫn người dân, đảm bảo luồng đi 1 chiều, thông suốt.
Một cú nhấp chuột, xác định ngay đối tượng cần tìm
Theo ông Nghĩa, để giải quyết được thông tin của các mẫu gộp một cách bài bản, hệ thống và có hiệu quả, bắt buộc chúng ta cần phải áp dụng những ứng dụng CNTT.
Chính vì vậy các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cùng các đồng nghiệp của tỉnh Bắc Giang xây dựng giải pháp về ứng dụng CNTT nhằm giúp thu thập, quản lý và làm sạch thông tin mẫu bệnh phẩm ngay tại thực địa.
Điều đặc biệt trong giải pháp này là các chuyên gia đã thiết kế, cài đặt kỹ thuật để khi cán bộ nhập dữ liệu có thể hạn chế tới mức tối đa về mặt sai số.
Tại khu vực thực địa, cạnh bàn lấy mẫu là bàn của cán bộ thu thập thông tin, hai hoạt động này diễn ra song hành, tương trợ lẫn nhau.
Trong quá trình áp dụng, triển khai tại Bắc Giang, một ngày dưới khu vực lấy mẫu thực địa sẽ tổng hợp thông tin và chuyển cho tuyến huyện. Sau khi tuyến huyện rà soát thông tin sẽ tiếp tục chuyển lên tuyến tỉnh cho 2 đầu mối gồm CDC và tổ tổng hợp danh sách mẫu xét nghiệm (thuộc Sở Y tế) 2 lần/ngày.
Phần mềm lưu trữ thông tin người lấy mẫu này được nhóm chuyên gia thiết kế rất phù hợp, hiệu quả. Tính năng ưu việt của nó nhằm ở chỗ, khi có một kết quả ra thì chúng ta có thể truy xuất ngay được thời gian, địa điểm, đối tượng đó là ai một cách chính xác, rõ ràng. Qua đó giúp cho công tác truy vết, xử lý ca bệnh, ổ dịch được nhanh chóng nhất. Việc có được kết quả xét nghiệm một cách có hệ thống cũng giúp phân tích, nhận định tình hình được rõ ràng hơn.
Để hệ thống trên vận hành trơn tru, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế đã phải liên tục tổ chức nhiều buổi tập huấn (trực tiếp, online) cho tất cả các địa bàn ở Bắc Giang. Thậm chí các chuyên gia còn xuống trực tiếp địa điểm lấy mẫu để giám sát và giải đáp mọi thắc mắc cho bộ phận thu thập thông tin từ người dân.
Ngoài ra, thông qua ứng dụng mạng xã hội, tổ thành lập một nhóm liên lạc với hơn 100 người, bao gồm các chuyên gia của đoàn Bộ Y tế, lực lượng trực tiếp thu thập thông tin người dân, lãnh đạo tỉnh phụ trách và lãnh đạo các địa bàn để có thể kịp thời giải đáp những thắc mắc một cách nhanh nhất, đồng thời có những góp ý để địa phương sớm hoàn thiện quy trình một cách hợp lý.
Tới thời điểm hiện tại, hệ thống quản lý mẫu xét nghiệm do nhóm chuyên gia của Bộ Y tế xây dựng đã góp phần giúp tỉnh Bắc Giang về cơ bản giải quyết được bài toán quá tải mẫu, thiếu thông tin về mẫu và chậm trả kết quả xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt dịch. Đây được xem là một trong những đóng góp rất thiết thực của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang, góp phần giúp địa phương thêm vũ khí trong cuộc chiến cam go chống lại đại dịch COVID-19.
V.LinhBạn đang xem bài viết Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Giang tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].