Một trong những khuyến cáo phòng ngừa COVID-19 được các chuyên gia y tế đưa ra là tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch bệnh. Và để tăng sức đề kháng, nhiều người đổ xô tìm mua vitamin C uống bổ sung, truyền vitamin C với suy nghĩ có thể ngăn ngừa sự tấn công của COVID-19.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, hiểu tăng sức đề kháng cho cơ thể là uống bổ sung vitamin C, truyền vitamin C vào cơ thể là hoàn toàn sai lầm.
Trong mùa dịch bệnh, cơ thể khỏe mạnh mới ngăn ngừa được sự tấn công của virus, hoặc nếu chẳng may bị bệnh thì cũng bị nhẹ và nhanh khỏi.
Mà muốn cơ thể khỏe mạnh thì điều quan trọng là phải ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vệ sinh thân thể sạch sẽ.
“Không có chuyện chỉ ăn một món ăn hay uống một loại vitamin nào đó là sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Muốn cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện phải ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung đầy đủ các loại vitamin từ các loại thực phẩm ăn uống hàng ngày.
Hơn nữa, việc tự ý uống vitamin C, truyền vitamin C vào người sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, nhất là uống vào buổi tối, uống không đúng liều lượng theo khuyến cáo sẽ dễ dẫn đến sỏi thận, rối loạn tiêu hóa, gây chảy máu…” – Bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Đồng quan điểm đó, bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng chia sẻ, việc dùng vitamin C đã được chứng minh giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng cho cơ thể. Nhưng dù là thuốc bổ thì việc bổ sung vitamin C vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Bởi uống quá liều vitamin C gây nguy cơ tạo sỏi thận khá cao. Thậm chí, khi cơ thể thừa vitamin C, có thể gây ra hội chứng chảy máu, rối loạn tiêu hóa.
Vitamin C không phải là yếu tố 100% có thể phòng ngừa được bệnh do COVID-19 gây ra. Việc có lây nhiễm bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đề kháng của cơ thể. Không phải cứ uống vitamin C là sẽ không bị nhiễm bệnh.
Điều đáng nói là hiện trên mạng xã hội rao bán rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại COVID-19. Nhưng thực tế, COVID-19 là một chủng virus mới vẫn đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu nên khó có thể khẳng định, thực phẩm chức năng ngăn ngừa bệnh.
COVID-19 hiện chưa có thuốc điều trị và vắc-xin ngừa. Vậy nên người dân không nên tùy tiện sử dụng các sản phẩm, áp dụng các biện pháp chữa bệnh chưa được chứng minh tác dụng kẻo dẫn tới tiền mất tật mang.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng ngừa COVID-19, mọi người cần lưu ý tránh phơi nhiễm với mầm bệnh: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc nơi đông người, ăn đồ chín… Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở… nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.