Khi uống một cốc trà mà túi lọc làm bằng nhựa thì lượng hạt vị nhựa đi vào cơ thể gấp 200.000 lần tổng lượng vi nhựa một người tiêu thụ mỗi năm.
Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học McGill (Canada), sau khi ngâm những túi trà rỗng, được rửa sạch, trong nước nóng 95 độ C. Kết quả phân tích bằng kính hiển vi và máy quang phổ, hầu hết các hạt vi nhựa trong mẫu nước trà đều là nhựa PET và nilon. Đây là những vật liệu được sử dụng trong sản xuất túi trà lọc giúp túi trà giữ được hình dáng.
Nói về túi lọc trà làm từ chất dẻo hay còn gọi là nhựa, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Tại Việt Nam, hiện người ta đang dùng 2 loại giấy để làm túi lọc trà, một là loại giấy truyền thống, được làm đặc biệt, có kích thước lỗ rất nhỏ để giữ lại bã chè. Giấy giống như vở viết, ngâm vào nước không bị mủn. Một loại giấy thứ 2 có thể bị hòa tan ra khi gặp nước, giống như giấy ăn, giấy vệ sinh, gặp nước sẽ bị mủn.
Gần đây ở một số nước, người ta làm màng lọc trà, túi lọc trà bằng chất dẻo, màng lọc này có cái tốt là không bị mủn ra, mắt lỗ rất nhỏ, lại có thể dính vào nhau được. Nhưng ở Việt Nam mình về cơ bản chưa dùng loại túi lọc này, một số sản phẩm trà nhập từ nước ngoài có dùng loại túi lọc làm bằng chất dẻo.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có kiểm định về chất lượng túi lọc bằng chất dẻo này và khả năng gây hại cho sức khỏe từ chất dẻo đó”.
Túi lọc trà bằng nhựa giải phóng ra các hạt vi nhựa nhỏ li ti, nếu uống phải các hạt nhựa này sẽ gây hại cho sức khỏe.
Theo PGS Thịnh: “Các hạt nhựa nhỏ li ti nếu đi vào cơ thể sẽ đi vào đường ruột, bám vào các cơ quan nội tạng và gây hại cho sức khỏe. Thông thường các hạt bằng nhựa là vô cực nên nó trơ, thường không có phản ứng hóa học nên nó thường gây tác động cơ học là chính và lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Nói về việc sử dụng các hạt vi nhựa trong các sản phẩm mỹ phẩm, vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, các hạt vi nhựa hiện đang có trong một số sản phẩm mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng… Đây là sản phẩm dùng bên ngoài, không phải thực phẩm để uống, ăn.
Đối với kem đánh răng, trước kia người ta cho vào kem đánh răng bột canxi để tạo ma sát làm sạch bề mặt răng, loại vỏ vết bẩn trên răng. Hiện người ta cho vào các hạt khác, trong đó có hạt vi nhựa để mài trên mặt răng, với mục đích ma sát làm sạch răng.
Tương tự như vậy, sữa rửa mặt cũng cho các hạt vi nhựa với mục đích ma sát loại bỏ lớp da chết bên ngoài, làm sạch da mặt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hạt vi nhựa có thể làm mỏng da đối với những người có da nhạy cảm và hình thành các lỗ nhỏ trên da, làm da dễ tổn thương và nhiễm khuẩn.
Hạt vi nhựa trong kem đánh răng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến răng miệng người sử dụng. Người sử dụng kem đánh răng chứa hạt vi nhựa có thể bị kẹt ở viền nướu, gây viêm nướu, viêm nha chu.