Người qua đời, người suy hô hấp vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Mới đây, BV ĐK Thống Nhất thông tin về trường hợp bệnh nhân nữ 25 tuổi, ở Đồng Nai, tử vong do sốt xuất huyết.
Được biết, bệnh nhân sốt từ ngày 2/8 và tự mua thuốc uống. Đến 5/8 thì giảm sốt, khỏe hơn nhưng xuất hiện đau lưng nên đi khám tại phòng khám tư, lấy thuốc về nhà uống.
Đến tối 5/8, bệnh nhân mệt, đau bụng tăng dần, nôn ói. Sáng 6/8, người nhà thấy bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, tím tái nên chở đến BV ĐK Thống Nhất.
Lúc nhập viện bệnh nhân trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn đã hồi sinh, sốt xuất huyết nặng thể sốc ngày 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Đến chiều cùng ngày thì bệnh nhân qua đời.
Một trường hợp nữa là bệnh nhân L.T.N. (24 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nau) phải nhập viện cấp cứu vì mắc sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám và điều trị tại 1 phòng khám tư nhân, tuy nhiên sau 5 ngày điều trị bệnh nhân không khỏi mà xuất hiện các triệu chứng nặng nên được chuyển đến Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch.
Điều đáng nói là bệnh nhân này đã được truyền dịch khi chưa cần thiết. Việc này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, màng bụng, suy hô hấp…, khi nhập viện việc điều trị sẽ khó khăn và hiệu quả không cao.
Bị sốt xuất huyết khi nào cần truyền dịch?
Theo BS.CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV ĐK Đồng Nai, bệnh nhân bị sốt xuất huyết chỉ truyền dịch trong trường hợp bị sốc. Lúc này, các bác sĩ sẽ truyền một lượng dịch rất lớn, khoảng 3.000-4.000 ml/ngày, thậm chí nhiều hơn.
Nếu bệnh nhân tự ý truyền dịch từ trước và rơi vào tình trạng sốc khi nhập viện, các bác sĩ buộc phải truyền dịch để chống sốc. Lúc này, dịch quá nhiều có thể gây ra quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp, suy tim cấp, thậm chí tử vong.
Do đó, bác sĩ Hùng khuyến cáo, người dân khi bị sốt ngày thứ 2 cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, truyền dịch không đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Hiện đang song hành 2 chủng sốt xuất huyết là D1 và D2. Trong đó, chủng D2 khá phổ biến, mà độc lực chủng này mạnh hơn nên nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, người dân hết sức cảnh giác, khi có triệu chứng nên đi khám sớm, không được chủ quan.
An AnBạn đang xem bài viết Tự uống thuốc, truyền dịch chữa sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].