Trường học trong các khu đô thị phía Đông Hà Nội: Xu thế tất yếu để mang lại đời sống toàn diện cho cư dân 

Một trong những câu hỏi quan trọng khi người dân mua nhà, mua chung cư là: “Con cái sẽ học ở đâu?” Có không ít gia đình mua nhà vì khu vực đó tiện cho con đi học. Khu Đông Hà Nội đang là một trong những nơi giải được bài toán đó.  

Mô hình trường học trong khu đô thị đã trở thành điểm cộng cho các dự án nhà ở. Người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống và tiện ích hơn là một không gian để ở đơn thuần. 

Trong đó, môi trường, chất lượng giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để khách hàng quyết định lựa chọn nơi an cư. Tuy nhiên hiện nay ở Hà Nội số khu chung cư, khu đô thị gắn với tiện ích trường học chưa nhiều. 

PV Gia Đình Mới đã có buổi trò cùng PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội về vai trò quan trọng của các trường học trong các dự án nhà ở.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội.

PV: Tiến sĩ có cho rằng, việc các khu đô thị có hạ tầng trường học sẽ là lựa chọn hàng đầu của những cư dân Thủ đô chọn sinh sống ở các khu chung cư?

TS Bùi Thị An: Thực tế, ở các quốc gia trên thế giới, tất cả các dự án gần trường học, đặc biệt gần các trường điểm, trường chất lượng cao, trường công, trường quốc tế, trường tư thục uy tín, có danh tiếng đều "được giá" và hút khách. 

Chính vì lợi điểm này, yêu cầu các bản vẽ thiết kế các khu đô thị quy mô lớn luôn phải ưu tiên xây dựng trường học trong khuôn viên dự án, nhằm đảm bảo một tổ hợp tiện ích hoàn chỉnh cho người dân sinh sống bên cạnh trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí hay shopping.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, với nhu cầu sống ngày càng cao, những người mua nhà chung cư hiện nay (đa phần là người trẻ tuổi) đang có thiên hướng lựa chọn nhiều hơn tới các khu đô thị có trường học nội khu. 

Đầu tư các cơ sở giáo dục trong một dự án bất động sản đã không còn là một xu hướng mà đã trở thành một tiện ích “phải có” nếu doanh nghiệp muốn đi đường dài và tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường. 

Khi các nhà phát triển bất động sản quyết tâm đầu tư thì sẽ mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn, đặc biệt cho các cư dân về đây sinh sống, từ đó thương hiệu của chủ đầu tư cũng được nâng cao.

Các khu đô thị hiện nay không chỉ có mô hình nhà trẻ như ngày trước, mà xây dựng thành các tổ hợp trường liên cấp với hệ sinh thái giáo dục đa dạng, trường công, trường tư, trường quốc tế giúp các bậc phụ huynh có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như năng lực của trẻ.

Đại đô thị mới phía Đông Hà Nội được chủ đầu tư chú trọng xây dựng tiện ích trường học, ghi điểm cộng trong mắt cư dân.

Đại đô thị mới phía Đông Hà Nội được chủ đầu tư chú trọng xây dựng tiện ích trường học, ghi điểm cộng trong mắt cư dân.

Tôi thấy một minh chứng rất rõ ràng về độ “hút khách” của dự án nhà ở khi có tiện ích trường học, đó là ở một số khu đại đô thị mới phía Đông Hà Nội. Những khu đô thị như Ocean Park có hệ thống trường học từ bậc mầm non, trung học phổ thông và cả đại học.

Đây là một trong số ít những khu đô thị mà chủ đầu tư chú trọng tới xây dựng các tiện ích dành cho mua sắm, thể thao, thư giãn và đặc biệt là hệ thống trường học. 

PV: Thưa TS Bùi Thị An, Hà Nội đang thiếu trường học nhưng tại nhiều dự án chung cư, khu đô thị, hạng mục trường học lại chưa được chú trọng xây dựng. Theo TS, vì sao lại có tình trạng ‘bỏ quên’ này và giải pháp là gì?

TS Bùi Thị An: Nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn Hà Nội trong quy hoạch có dành một phần đất để xây dựng hạ tầng xã hội, các hạng mục trường học, cơ sở y tế. Và các cơ quan chức năng khi phê duyệt các dự án nhà ở đều chú ý yêu cầu các chủ đầu tư dự án chú ý đến hạ tầng xã hội, đặc biệt là trường học với nhà trẻ, trường học phổ thông. 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện lại có tình trạng không giám sát nghiêm túc, nên dẫn đến một số chủ đầu tư cố tình “bỏ quên” các hạ tầng xã hội này.

Việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội khi phê duyệt chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư nếu không hoàn thiện các hạ tầng, chưa quy định cụ thể, chi tiết về tiến độ thực hiện dẫn đến chủ đầu tư chậm chạp triển khai, thậm chí bỏ mặc, gây nên tình trạng người dân đã về ở mà các trường học vẫn chưa được xây dựng. Thành phố cũng chưa có chế tài để xử lý những chủ đầu tư không thực hiện xây dựng trường theo quy hoạch.

Do đó nhiều khu đô thị hiện nay không có trường học, trẻ ở những khu đô thị này phải xin học ở những trường của phường, thậm chí là học trái tuyến rất vất vả. Từ đó cũng dẫn tới tình trạng thiếu trường, lớp học ở Thủ đô.

Về giải pháp, thì hiện lãnh đạo Hà Nội đang rất quan tâm tới vấn đề này. Với chủ đầu tư các khu đô thị, đặc biệt là có các ô đất trường học phục vụ cho lợi ích công cộng, xã hội, thành phố đã giao Sở Xây dựng rà soát nội dung này. Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu rà soát và trên tinh thần nếu chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ thu hồi để đầu tư công.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc giám sát các dự án khi thi công rất quan trọng. Phải giám sát nghiêm chỉnh các dự án, dự án nào hoàn thiện các hạ tầng theo đúng quy hoạch thì mới nghiệm thu. 

Cần giám sát nghiêm túc các dự án khi thi công để kịp thời yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đúng quy hoạch.

Cần giám sát nghiêm túc các dự án khi thi công để kịp thời yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đúng quy hoạch.

PV: Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng trường học trong các khu đô thị tại Hà Nội?

TS Bùi Thị An: Hà Nội là thành phố dân số cơ học tăng nhanh, rất nhiều các hộ gia đình lựa chọn sinh sống trong các khu chung cư, khu đô thị. Tình trạng chủ đầu tư “quên” xây trường học trong khi chính quyền địa phương và các sở ngành thiếu trách nhiệm đã dẫn tới hệ lụy rất nhiều trường học công lập giáp khu vực của những đô thị này bị quá tải, sĩ số lớp học thường vượt trên 55 học sinh, thậm chí nhiều trường lên tới trên 60 học sinh/1 lớp.

Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nhiều khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh.

Khi các khu đô thị, khu chung cư có các tiện ích trường học, cư dân sẽ được thụ hưởng, đặc biệt là những gia đình đang có trẻ trong độ tuổi đi học. Trẻ được nuôi dưỡng, học tập, vui chơi ở không gian gần với nơi ở sẽ càng tăng tính kết nối với gia đình, cộng đồng.

Đồng thời, các khu chung cư bao giờ cũng có bảo vệ, như vậy trẻ sẽ được 2 lớp bảo vệ (bảo vệ trường học, bảo vệ của khu chung cư). Trong đó, hệ thống camera giám sát ở các chung cư và hệ thống bảo vệ cũng như hệ thống điều phối giao thông chung cư vốn đã có sẵn cộng thêm tự chủ về an toàn của các trường. Từ đó, trẻ được tăng thêm một lớp bảo vệ sẽ an toàn hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy quỹ đất dành cho giáo dục có nhiều hạn chế. Việc các đô thị có các tiện ích trường học sẽ giảm áp lực tuyển sinh đúng tuyến, trái tuyến. Từ đó đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh.

PV: Trường học nằm trong lòng khu đô thị như Ocean Park và khu Đông Hà Nội sẽ có vai trò như thế nào trong tương lai, thưa tiến sĩ?

TS Bùi Thị An: Trường học nằm trong lòng khu đô thị, rất gần các tòa nhà ở của cư dân, thuận tiện để các cư dân nhí đi học, không phải trải qua các cảnh tắc đường, đi xa, đông đúc… 

Một số trường học được xây dựng có khuôn viên phục vụ nhu cầu phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh, bao gồm sân bóng rổ, sân bóng đá, nhà thi đấu đa năng. Bên trong các tòa nhà là nhiều phòng học và các không gian chức năng đa dạng như bể bơi bốn mùa, thư viện, trung tâm thực nghiệm sáng tạo, phòng nghệ thuật…

Chính về yếu tố đó, những khu đại đô thị này đã đón được làn sóng di chuyển dân cư ra khỏi vùng lõi nội đô, chỉ trong thời gian 5 năm ra mắt và đi vào vận hành đã thu hút hơn 60 nghìn người dân tới sinh sống, tạo nên một khu đô thị hiện đại, văn minh.

Tôi cho rằng đầu tư trường học trong dự án, bên cạnh bài toán cân bằng lợi nhuận thì giá trị đối với cộng đồng xã hội cũng là đích đến của các chủ đầu tư phát triển mô hình này.

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Việt Hưng (thực hiện)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính