Tại Hội nghị khoa học tiêu hóa, gan mật diễn ra sáng 26/5, GS.TS Đào Văn Long, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, trong khi đó khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế còn hạn chế.
Đối với những bệnh lý ở đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, nóng rát, co thắt tâm vị với những triệu chứng điển hình hoặc không điển hình, bên cạnh các phương pháp truyền thống như nội soi, khám và điều trị trên lâm sàng thì hiện nay, Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật, cùng với Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đã ứng dụng thêm các kĩ thuật mới, có thể kể đến như: định lượng pepsin hay còn gọi là dịch dạ dày trong nước bọt, đo pH và trở kháng 24 giờ ở niêm mạc thực quản, nội soi độ phân giải cao và nhuộm màu ảo, đo điện thế niêm mạc đường tiêu hóa trên hoặc đo HRM – đo nhu động co bóp đóng mở của thực quản và các hệ thống van của nó… Từ đó giúp các bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trên hay không.
Theo GS.TS Đào Văn Long, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra trong y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động và tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay.
Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật là đơn vị đầu tiên, tiên phong phối hợp với đối tác bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và những kết quả bước đầu cho thấy đây là một hướng đi khả quan.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định và ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo.
Ngoài việc ứng dụng các kỹ thuật mới, trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa, Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật còn bước đầu tiến hành khảo sát tình trạng kém hấp thu Lactose ở người Việt Nam.
Bởi tình trạng sôi bụng, đau bụng, đầy hơi, đi ngoài...khi uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, bơ… là hiện tượng thường gặp ở nhiều người mà nguyên nhân có thể kể đến là do tình trạng kém hấp thu lactose – chất đường chính có trong sữa.
Theo ước tính, có khoảng 75% dân số thế giới ở tuổi trưởng thành mắc triệu chứng này.
Viện Nghiên cứ & Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã tiến hành khảo sát, đánh giá về tình trạng kém hấp thu lactose ở người Việt Nam trên quy mô rộng, với đối tượng nghiên cứu được chọn là những người khỏe mạnh và bệnh nhân có triệu chứng IBS thể tiêu chảy (IBS-D), từ đó thu thập thông tin cá nhân chung, triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, nồng độ hydro, triệu chứng khi thực hiện test thở Hydrogen.
Sau giai đoạn nghiên cứu bước đầu cho thấy, tỉ lệ kém hấp thu lactose của Việt Nam là 86.8%, tỉ lệ này cao hơn so với một số quốc gia khác cùng khu vực châu Á như Trung Quốc (81%), Ấn Độ (80,79%) và thấp hơn Singapore (93%).
Mặc dù một số nghiên cứu của Viện mới chỉ là bước đầu, những kết quả thu được từ các nghiên cứu rất đáng ghi nhận. Các nhóm nghiên cứu cho thấy giá trị của các kỹ thuật mới như đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM), đo pH-trở kháng 24 giờ, và test thở hydrogen trong việc chẩn đoán và phân loại các bệnh lí tiêu hóa. Về lĩnh vực nội soi, các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của những công nghệ nội soi tiêu hóa hiện tại (nội soi phóng đại, siêu âm nội soi) trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh lí đường tiêu hóa.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng trong nội soi tiêu hóa như thế nào? tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].