12 – 13 tuổi đã lấy chồng sinh con
Ngày 12/3/2025, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp ngành y tế Yên Bái tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả dự án Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái.
Bác sĩ Trần Văn Hiển – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái thông tin, tại các địa phương vùng sâu vùng xa của tỉnh, tình trạng kết hôn sớm và mang thai sớm còn phổ biến. Điển hình như ở huyện Mù Cang Chải, tỷ lệ có thai ở phụ nữ từ 15 đến 19 tuổi ở huyện Mù Cang Chải là 15,5% và ở huyện Văn Chấn là 9,6% trong năm 2021. Tỉ lệ sinh đẻ tại nhà còn cao với 63,1% ở huyện Mù Cang Chải và 13,5% ở huyện Văn Chấn vào năm 2021.

Hội thảo chia sẻ kết quả dự án Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, mỗi năm ở huyện Văn Chấn có khoảng 150 - 180 đứa trẻ chào đời mà mẹ của chúng vẫn là trẻ em nữ vị thành niên dưới 18 tuổi.
"12, 13 tuổi đã lấy chồng, sinh con không phải là chuyện hiếm. Những đứa trẻ sinh ra khi bố mẹ chúng không có giấy đăng ký kết hôn là chuyện bình thường. Cứ cưới chui và cứ sinh".
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi - tháng thứ 3 của thai kỳ - chiếm tới gần 80%.
Nỗ lực để tránh “trẻ em sinh ra trẻ em”
Trước thực trạng trẻ dưới tuổi vị thành niên mang thai sớm rất đáng lo ngại tại tỉnh Yên Bái, dự án "Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tại Yên Bái” đã được các đơn vị phối hợp thực hiện từ tháng 7/2023 – tháng 3/2025. Dự án được triển khai tại 6 xã của huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên.
Dự án đã triển khai các hoạt động cụ thể như: Phát các tài liệu truyền thông giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD); thành lập Câu lạc bộ về SKSS&TD; chia sẻ, học hỏi kiến thức về SKSS&TD; tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận về sự hợp tác giữa đại diện trường học, cộng đồng, địa phương về SKSS&TD; thiết lập điểm cung cấp dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên; hỗ trợ và tư vấn cho các trạm y tế địa phương cải thiện các dịch vụ chăm sóc SKSS&TD thanh niên...
Theo bác sĩ Trần Văn Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ thanh thiếu niên có kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và tình dục tăng từ 32% lên 83%; hiểu biết về bình đẳng giới từ 70% lên 91%; đồng thuận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 63% lên 82%; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục tăng từ 24% lên tới 88%.
Em Nguyễn Hà Anh, học sinh Trường THPT Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, thông qua dự án này, nhận thức về vấn đề sức khỏe sinh sản của các em được nâng lên rõ rệt. Các em hiểu tường tận về những tác hại của quan hệ tình dục quá sớm, những hệ lụy của tình trạng tảo hôn cũng như các biện pháp tránh thai an toàn.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái đánh giá cao hiệu quả của dự án. Dự án có thời gian không dài nhưng mang lại chuyển đổi tích cực cho các nhóm tác động. Khi điều tra lại thì nhận thấy kiến thức tăng lên, hành vi thay đổi, định hướng cho tương lai rõ nét và tích cực hơn.
Đánh giá cao kết quả của Dự án Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên là vô cùng quan trọng. Hiểu biết đúng về sức khỏe sinh sản và tình dục giúp thanh thiếu niên không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn có các kỹ năng để hành động đúng, trợ giúp cộng đồng trong các tình huống cần thiết.
Trước kiến nghị của bác sĩ Hiển nên mở rộng độ tuổi giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho trẻ từ 11 tuổi, Phó Cục trưởng Trần Đăng Khoa đồng tình và cho rằng, trẻ em trai và trẻ em gái có xu hướng dậy thì sớm, do vậy việc can thiệp giáo dục sức khỏe sinh sản cần giảm độ tuổi tiếp cận cung cấp kiến thức, có thể với các trẻ từ 11 tuổi. “Chúng ta có trách nhiệm quan tâm, hỗ trợ kiến thức cũng như cung cấp các dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên để tránh tình trạng trẻ em sinh ra trẻ em”.
V.LinhBạn đang xem bài viết Trẻ từ 11 tuổi nên được giáo dục sức khỏe sinh sản tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
