Vì sao trẻ sốt cao lại bị co giật?
Sốt cao co giật là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Do bộ não của trẻ chưa hoàn thiện, khi trẻ mắc một tác nhân nào đó gây sốt sẽ dẫn đến sự phóng điện quá mức và đột ngột của các tế bào thần kinh gây co giật.
Việc trẻ sốt cao co giật tái diễn nhiều lần có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, giác quan, ngôn ngữ và làm giảm trí nhớ của trẻ. Tỷ lệ nhỏ có thể dẫn đến động kinh.
Cách xử trí khi trẻ bị co giật do sốt cao
Do đó, các bác sĩ khoa Nhi, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo, khi trẻ sốt cao co giật cha mẹ cần giữ bình tĩnh và xử trí như sau:
- Đặt trẻ nằm xuống nơi rộng rãi và an toàn.
- Tư thế an toàn: Để trẻ trong tư thế chân duỗi chân co, nghiêng sang một bên vì trẻ giật sẽ nôn, nếu thức ăn từ chất nôn lọt vào đường thở.
- Nới lỏng áo ở quanh cổ, nếu có gối thì đặt gối dưới đầu trẻ.
- Không nên cho bất cứ thứ gì vào trong miệng hoặc cố gắng nạy răng của trẻ.
- Không được đè trẻ hoặc cố gắng dùng sức để kìm cơn co giật.
- Khi trẻ qua cơn co giật do sốt cao, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
- Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ ≥ 38.5°C nếu đo ở hậu môn (nếu cặp nách là ≥ 38°C), tránh để trẻ chờ đến cơ sở y tế mới được dùng thuốc hạ sốt.
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol 15mg/kg/lần, cách 4- 6 giờ có thể dùng lại. Cha mẹ cần lưu ý: thuốc hạ sốt paracetamol có nhiều loại, nhiều hàm lượng, nên cần dùng đúng liều, đúng loại mà bác sĩ đã chỉ định.
Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ hạ sốt sau:
- Để trẻ nằm phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế số lượng người xung quanh. Nới bớt quần áo cho trẻ. Cho trẻ tiếp tục bú mẹ (nếu trẻ còn bú), uống nhiều nước.
- Chườm ấm hạ sốt: Dùng khăn tẩm nước ấm 33°C – 35°C (kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước cảm giác ấm giống như nước tắm em bé là được) lau mặt, cổ, 2 tay, 2 chân và đắp ở trán, nách, bẹn, thay khăn sau 3- 5 phút, khi nước hết ấm pha chậu khác, chườm đến khi nhiệt độ ≤ 37,5°C thì dừng chườm.
Những điều cần lưu ý khi trẻ bị sốt
- Không xác định trẻ sốt bằng cách dùng tay sờ da trẻ, mà phải dùng nhiệt kế đo.
- Không nên mặc nhiều quần áo, đắp chăn cho trẻ khi thấy trẻ rét run (vì cảm giác của trẻ là rét run, nhưng thực chất nhiệt độ cơ thể của trẻ khi ấy lại khá cao, nếu đắp thêm chăn, mặc thêm nhiều quần áo cho trẻ khi ấy có thể làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao, dễ dẫn đến co giật).
- Không nên chườm cho trẻ bằng nước đá, cồn.
- Không đóng kín cửa phòng, mà nên để phòng thông thoáng, tránh gió lùa.
- Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi:
+ Trẻ sốt cao (≥ 39°C) hoặc cơn sốt dày (chưa đủ thời gian dùng lại thuốc hạ sốt).
+ Thời gian sốt ≥ 3 ngày
+ Xuất hiện thêm một trong các biểu hiện khác kèm theo như: co giật, nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, ho nhiều, khó thở, ăn kém, quấy nhiều hoặc ngủ li bì.
An AnBạn đang xem bài viết Trẻ sốt cao đến mức co giật, cha mẹ cần làm gì? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].