Trẻ như thế nào là không suy dinh dưỡng?
Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh khỏe mạnh lúc mới sinh là 3kg, chiều cao khoảng 50 cm. Nếu chỉ nặng dưới 2,5 kg thì có thể trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai.
Cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trung bình, cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3kg, chiều cao khoảng 50 cm. Nếu chỉ nặng dưới 2,5 kg thì thường là trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai.
Sự phát triển của trẻ được đánh giá đầu tiên qua cân nặng và chiều cao.
Về cân nặng, một trẻ phát triển bình thường có cân nặng thay đổi như sau:
- Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng từ 1 - 2 kg/tháng.
- 3 tháng tiếp theo trẻ tăng từ 0,5 - 0,6 kg /tháng.
- 6 tháng tiếp theo chỉ tăng từ 0,3 - 0,4 kg/tháng.
- Đến lúc 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 - 10 kg).
- Từ 2 - 10 tuổi trẻ tăng trung bình 2 - 3kg.
Về chiều cao: Sự phát triển bình thường về chiều cao của trẻ:
- Trong 3 tháng đầu trẻ tăng từ 3 cm/tháng.
- 4 - 6 tháng tăng 2-2,5 cm/tháng.
- 7 - 9 tháng tăng 2 cm/tháng.
- 10-12 tháng tăng 1-1,5 cm/ tháng.
- Đến khi trẻ 1 tuổi, chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75 cm), sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng từ 5-7 cm/năm cho tới lúc dậy thì.
Trẻ suy dinh dưỡng biểu hiện như thế nào?
Để biết được trẻ phát triển bình thường hay bị suy dinh dưỡng, ba mẹ có thể cân trẻ đều đặn hằng tháng, nhờ đó theo dõi sự phát triển của trẻ dựa vào biểu đồ tăng trưởng:
- Nếu trẻ tăng cân đều đặn hằng tháng, đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa khỏe mạnh, phát triển bình thường.
- Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
- Nếu không có điều kiện cân trẻ có thể dùng số đo vòng cánh tay trái để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Các thể loại suy dinh dưỡng
Người ta phân loại suy dinh dưỡng trẻ em thường gặp ở cộng đồng ra 3 thể:
- Thể nhẹ cân hay cân nặng theo tuổi thấp: Phản ánh sự chậm của cả quá trình tăng trưởng trong tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài, cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đó.
- Thể thấp còi: là biểu hiện của sự chậm phát triển kéo dài hoặc dấu hiệu của sự chậm lớn trong quá khứ. Chiều cao theo tuổi của trẻ thấp do sự chậm tăng trưởng, dẫn đến không đạt được chiều cao trung bình.
- Thể gầy còm: phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do không lên cân hoặc đang tụt cân. Xảy ra khi chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao của trẻ tụt xuống thấp có ý nghĩa so với trị số trung bình.
Điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng như thế nào?
Trẻ bị suy dinh dưỡng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn ở tất cả các mặt như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, chăm sóc tâm lý, điều trị bệnh cho trẻ (nếu có), Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng cần chú ý cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn bình thường.
Chuyên khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong bốn phân ngành y khoa quan trọng thuộc khối lâm sàng, chuyên về chăm sóc sức khỏe của trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ nhỏ dưới 16 tuổi, bao gồm: nhi khoa tổng quát, nhi khoa chuyên sâu (thần kinh, phổi, tiêu hóa, thận, nội tiết), phẫu thuật nhi khoa (giải phẫu, chỉnh hình, tiết niệu), nhi khoa sơ sinh, các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng.
Chuyên khoa Nhi tại Vinmec luôn được giới chuyên môn đánh giá cao trong khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ở trẻ.
Nên đưa trẻ đi khám khi trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng!