Chị Doãn Tâm Thùy (ở Hà Đông, Hà Nội) luôn bị người thân chê trách không biết nuôi con, cho con ăn đủ thứ mà không bằng trẻ nhà nghèo ở quê. Chị Thùy kể lại, khi mới sinh bé đầu lòng, bé được gần 4kg, trông mũm mĩm, đáng yêu.
Suốt thời kỳ bú mẹ bé lên cân đều đặn, trông có da có thịt ai cũng thích bệu má bé. Nhưng bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi, chị Thùy phải đi dạy học sớm, không có nhiều thời gian chăm con, nhưng chị vẫn vắt sữa dự trữ ở nhà, không tiếc tiền mua đủ loại thực phẩm cất tủ lạnh để bà nội ở nhà cho con ăn.
Vậy mà không hiểu vì sao bé càng ngày càng còi đi, cân tăng chậm, thậm chí có tháng không tăng được lạng nào. Đến bây giờ bé đã 4 tuổi nhưng còi cọc chỉ bằng bé hàng xóm chưa đầy 3 tuổi.
Mỗi lần về quê, chị Thùy lại bị hàng xóm, người thân chê vụng về, không biết chăm con, con nhà giàu được ăn đủ loại “sơn hào hải vị” mà không bằng trẻ con nghèo nhà quê… làm chị rất buồn lòng.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng như con nhà chị Thùy không hiếm gặp. Không ít bố mẹ khi đưa con đi thăm khám than vãn mua cho con ăn đủ thứ để tẩm bổ nhưng con vẫn còi cọc.
Bên cạnh đó có những bé béo mũm mĩm, thừa cân nhưng vẫn thiếu vi chất, suy dinh dưỡng thể béo phì.
Lý giải về nguyên nhân nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng dù liên tục được tẩm bổ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, tồn tại một số sai lầm trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ, trong đó có:
Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn: Một số mẹ vì bận rộn công việc nên cho trẻ ăn bổ sung sớm. Hoặc cũng có mẹ sợ con chỉ bú sữa mẹ bị đói, cho ăn bổ sung sớm cho đủ chất, cứng cáp.
Nhưng thực tế cho trẻ ăn bổ sung sớm lại không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, mà thức ăn bổ sung thường khó tiêu, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, không hấp thu được chất dinh dưỡng và dẫn đến chậm tăng cân, suy dinh dưỡng.
Hơn nữa trẻ ăn bổ sung sớm không tận dụng được sữa mẹ, nguồn thức ăn với đầy đủ dưỡng chất và phù hợp nhất với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Ngược lại, khi cho trẻ ăn bổ sung muộn, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cũng dẫn đến trẻ sẽ chậm tăng cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển. Tốt nhất nên cho trẻ tập ăn bổ sung sau 6 tháng tuổi.
Chế độ dinh dưỡng không cân đối: Nhiều mẹ cứ nghĩ rằng phải bổ sung thật nhiều đồ bổ dưỡng cho con thì mới tốt nên dẫn đến trẻ bị thừa đạm, dễ bị tiêu chảy.
Chính vì mất cân bằng trong khẩu phần ăn nên nhiều trẻ thừa cân, béo phì do ăn nhiều chất đạm, chất béo, ăn nhiều chất bột đường mà thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Do thiếu vi chất nên trẻ to béo ục ịch vẫn bị suy dinh dưỡng thể thừa béo phì.
Trộn quá nhiều thực phẩm trong một bữa ăn: Các mẹ bây giờ thường có thói quen cho tất cả các loại thực phẩm vào máy xay sinh tố để xay nhỏ rồi nấu lên cho trẻ ăn. Theo bác sĩ Dũng, cách chế biến thực phẩm cho trẻ như vậy vừa không ngon lại làm mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
“Nấu bát cháo với một chút cơm xay, rau, củ, thịt, cá, bơ, dầu ăn, phô mai… tạo thành một hỗn hợp sền sệt không rõ mùi vị và rất ngấy sẽ làm trẻ chán ăn.
Trẻ chán ăn thì sẽ sinh ra còi cọc dù bữa ăn mẹ có cho đủ “sơn hào hải vị” vào. Các mẹ cứ ăn thử ngày 3 bữa bát cháo như vậy xem có ngán không mà bắt trẻ ăn mãi như vậy.
Hơn nữa, thường xuyên cho con trẻ ăn đồ xay nát như vậy sẽ làm mất phản xạ nhai của trẻ và dẫn đến răng trẻ kém phát triển, trẻ dễ ói khi gặp phải thực phẩm chưa được xay nhuyễn.
Cùng với đó là trẻ khó nhận thức được mùi vị của từng loại thực phẩm do suốt ngày trộn lẫn thành một vị đến người lớn cũng khó phân biệt” – PGS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Kiêng khem quá mức: Một sai lầm khác các mẹ cũng hay gặp phải là lo lắng thái quá dẫn đến kiêng khem quá mức cho con. Ví như việc mẹ chỉ cho con ăn thịt lợn cho lành, không cho con ăn cá, ăn tôm, cua… vì sợ con ăn bị dị ứng, bị tiêu chảy, bị ho… và dẫn tới con bị thiếu hụt vi chất, nhất là thiếu canxi, thiếu kẽm, sắt… Chính sự kiêng khem không đúng của mẹ sẽ tạo cho con thói quen ăn uống kén chọn, lệch lạc, lười ăn… và dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Cách tốt nhất là các mẹ nên cho con tập ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đủ vitamin và khoáng chất. Khi chế biến thực phẩm cho con cần chọn lựa các thực phẩm tươi, rau củ đúng mùa vụ, nấu thay đổi món để trẻ cảm thấy ngon miệng, yêu thích khi đến bữa ăn mà không phải sợ hãi, đánh vật với bữa ăn.