Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ cứ đi học là bị ốm, nguyên nhân do đâu?

Trẻ nhỏ đã bắt đầu đi học trở lại. Không ít mẹ than phiền rằng, con ở nhà mãi không sao, cứ đi học là bị ốm. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Trẻ cứ đi học là bị ốm vì sao?

Theo tiến sĩ nhi khoa Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc BVĐK Hòe Nhai, thời gian qua, số trẻ đến khám và điều trị do cúm A kèm theo bội nhiễm viêm phổi rất nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ gặp vấn đề về nhiễm trùng đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp là khá cao.

Trong khi đó, đã có nhiều trường học đã đón học sinh tựu trường. Mà trường học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo là một môi trường lý tưởng để virus lây lan. Bởi trường lớp thường là không gian nhỏ, kín, trẻ dùng chung đồ chơi, cùng ăn, cùng ngủ nên virus dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác.

Trẻ ít vận động thể dục, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên khiến đề kháng suy giảm và dễ bị ốm khi đi học. Ảnh minh họa

Trẻ ít vận động thể dục, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên khiến đề kháng suy giảm và dễ bị ốm khi đi học. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng lý giải, ảnh hưởng sau thời gian dài giãn cách do COVID-19 là việc từ người lớn đến trẻ nhỏ phải ở trong nhà, gây tác động đến yếu tố miễn dịch. Điều này khiến sức miễn dịch của toàn xã hội kém và khiến các loại virus, bệnh dịch khác có thể tấn công cơ thể.

Với trẻ nhỏ, việc để trẻ ít vận động thể dục, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên và chỉ ở nhà nằm điều hòa chính là nguyên nhân khiến đề kháng của trẻ kém, dẫn đến cứ đi học là trẻ bị ốm.

Cần làm gì để hạn chế trẻ ốm khi đi học?

Để hạn chế con bị ốm khi đi học, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho con, đặc biệt là trong vài tháng đầu đến trường bằng cách rửa tay, thay quần áo cho con khi vừa về đến nhà.

Một số dịch bệnh như cúm A đã có vắc-xin phòng bệnh, nhưng vắc-xin này không bền vững nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng cúm 6 tháng/lần cho cả trẻ em và người lớn.

Những trường hợp bệnh lý khác như chân tay miệng, bệnh đường hô hấp chưa có vắc-xin, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay và vệ sinh tại môi trường, cảnh quan trẻ tham gia học tập, tuyên truyền để trẻ duy trì đeo khẩu trang.

Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí để bồi dưỡng sức khỏe tinh thần, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Trẻ cũng cần được ăn đủ chất, tăng cường ăn hoa quả, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc để có sức đề kháng chống lại virus mà con đã tiếp xúc ở trường.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO