Trên một bài báo của JAMA Facial Plastic Surgery (tạp chí Phẫu thuật phẩm mỹ khuôn mặt JAMA), một nhóm các nhà nghiên cứu cho biết ngày càng có nhiều người yêu cầu được phẫu thuật cho giống các ảnh chụp mà họ có được sau khi dùng các bộ lọc (filter) của Snapchat hay Instagram.
Xu hướng này được đánh giá là chứng “Nghiện Snapchat”, thậm chí các bác sĩ còn cho rằng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh hiện nay làm giảm bớt sự tự tin của mọi người.
Với sự can thiệp của trí thông minh nhân tạo, các bộ lọc có thể làm cho da trắng hơn, lông mi dài hơn, các cấu trúc hình thể thay đổi để hấp dẫn hơn. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, các bộ lọc này có thể gây rối loạn cảm nhận về cơ thể - một dạng bệnh tâm thần dẫn đến xu hướng cực đoan như nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, ám ảnh về những khiếm khuyết không tồn tại, rút lui khỏi các hoạt động xã hội.
Cũng theo bài báo trên, ngoài việc cố gắng làm cho mình giống các ảnh đã được chỉnh sửa, nhiều người còn muốn tìm kiếm những thủ thuật để mình chụp ảnh selfie đẹp hơn.
Nếu như trước đây hình ảnh những người mẫu quá “ảo” trên tạp chí thời trang được cho là nguyên nhân gây ra trào lưu các thiếu nữ nhịn ăn đến mức suy dinh dưỡng, thì giờ đây các công cụ “chế” ảnh ảo diệu cũng gây nhiều tranh cãi.
Các ứng dụng như Line Camera, Facetune hay Camera 360 khiến người người xuất hiện trên mạng xã hội với vẻ đẹp hoàn hảo: mặt mảnh mai, cân xứng, “đẹp không tì vết” như nhân vật hoạt hình... Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, mặc dù 2/3 phụ nữ cho rằng hình ảnh những người mẫu trên tạp chí thời trang là hoàn toàn “ảo”, nhưng có tới 57% thừa nhận họ thường xuyên chỉnh sửa ảnh của mình trước khi đăng lên mạng xã hội.
Những chuẩn mực trên thế giới ảo cũng đang "làm khó" các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu như trước đây, đa số muốn chỉnh mũi, thì giờ đây, mọi người thích các thủ thuật làm cho họ giống với hình ảnh selfie đã chỉnh sửa, ví dụ như: làm cho mũi và mặt cùng gọn lại, cấy tóc, phẫu thuật mí...
Mạng xã hội khiến mọi người không hài lòng với thực tại, lo âu, cô đơn
Một nghiên cứu tiến hành năm 2017 phỏng vấn 1.500 người tuổi từ 15 – 24 cho thấy, mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, làm cho cảm xúc của người trẻ trở nên nhiều lo âu hơn và không hài lòng hơn với thực tại.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội lại hay có cảm giác cô đơn hơn so với những người ít sử dụng.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Trào lưu phẫu thuật cho giống ảnh ‘sống ảo’ trên Facebook, Instagram tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].