1. Đào nhân
Là nhân hạt của quả đào chín già. Theo Đông y, đào nhân vị đắng ngọt, tính bình; vào kinh Tâm và Can. Đào nhân có tác dụng hoạt huyết trừ ứ, nhuận tràng thông tiện. Chữa đau kinh, kinh bế, đau bụng sau sinh, đại tiện táo bón...
Để trị đại tiện táo, giúp nhuận tràng thông tin, có thể dùng dùng 6 - 12g đào nhân/ngày.
Hoặc dùng bài hoàn nhuận tràng, với hạnh nhân 12g, đào nhân 12g, hỏa ma nhân 12g, đương quy 12g, sinh địa 16g, chỉ xác 12g. Các vị nghiền bột mịn, làm mật hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần hoặc sắc nước uống.
Hay dùng bài ngũ nhân hoàn, với đào nhân 20g, hạnh nhân 12g, bá tử nhân 12g, tùng tử nhân 6g, úc lý nhân 12g, trần bì 8g. Tán bột, trộn mật làm hoàn. Mỗi lần uống 10g.
2. Thảo quyết minh
Thảo quyết minh còn có tên gọi khác là quyết minh, hạt muồng, đậu ma, giả lục đậu, giả hoa sinh, lạc giời.
Theo các tài liệu Đông y, thảo quyết minh vị mặn, tính bình vào hai kinh can và thận, có tác dụng thanh can, ích thận, khử phong, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện. Dùng chữa mắt đỏ, đầu nhức, đại tiện táo bón.
Uống thảo quyết minh giúp đại tiện dễ dàng mà không đau bụng, phân mềm không lỏng.
Liều dùng hàng ngày 5 - 10g hay hơn, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột hoặc thuốc viên.
Để chữa táo bón, làm sạch đường ruột có thể dùng hạt thảo quyết minh sao vàng, liều 16 – 20g/ngày, dưới dạng hãm, uống nhiều lần trong ngày cho tới khi phân nhuận.
Với người cao tuổi hoặc phụ nữ sau sinh, trẻ em nhỏ tuổi, bị táo, trĩ, hoặc chứng táo mạn tính, do công việc phải ngồi lâu gây táo bón: dùng hạt thảo quyết minh sao cháy, liều 10 – 16g/ngày, dưới dạng hãm, uống nhiều lần trong ngày. Uống nhiều ngày cho tới khi hết táo bón.
3. Lô hội
Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Theo Đông y, lô hội vị đắng, tính hàn, vào kinh can, tỳ, vị, đại trường. Sử dụng lô hội có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón, chữa viêm loét dạ dày…
Dùng lô hội với tác dụng nhuận tràng, mỗi lần uống 0,06 - 0,2g. Dùng xổ, mỗi lần 1 - 2g.
Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết dùng bài lô hội thông tiện giào hoàn, với 6g lô hội, nghiền nát, phân ra cho vào 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang.
Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tuy nhiên, lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng. Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.
4. Phan tả diệp
Phan tả diệp còn có tên tiêm diệp, được dùng cả trong Đông y và Tây y nhờ có tác dụng tiêu tích trệ, thông đại tiện. Phan tả diệp có vị ngọt đắng, tính hàn, quy kinh đại tràng. Các thầy thuốc thường dùng phan tả diệp chữa ăn uống không tiêu, bụng ngực đầy trướng, táo bón.
Tùy theo liều, phan tả diệp có tác dụng nhuận tràng (phân mềm sau khi uống 5 - 7 giờ) hoặc tẩy mạnh (phân lỏng có đau bụng). Nếu liều mạnh nữa.Có thể đau bụng dữ dội, nôn mửa trong 3 - 4 giờ. Tác dụng tẩy kéo dài 1 - 2 ngày, sau đó không bị táo lại.
Để dùng làm thuốc trợ giúp sự tiêu hoá, ngày dùng 1 - 2g phan tả diệp, nhuận tràng với liều 3 - 4g, tẩy mạnh với liều 5 - 7g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha.
Dùng hỗ trợ điều trị táo bón: Mỗi ngày dùng phan tả diệp khô 3 - 6g, nặng có thể dùng 10g, dùng nước sôi hãm uống.
Hoặc dùng: Phan tả diệp 6g, chỉ thực 6g, hậu phác 9g, sắc uống; hỗ trợ điều trị táo bón do nhiệt tích.
Hay phan tả diệp 4 - 6g, đại hoàng 9g, trần bì 4g, hoàng liên 3g, đinh hương, sinh khương đều 3g, sắc uống; Hỗ trợ điều trị táo do thực tích.
Lưu ý khi sử dụng với những người cơ thể yếu, phụ nữ có thai, thời kỳ kinh nguyệt, đang cho con bú, bởi dùng quá liều có thể gây đau bụng, buồn nôn, nôn.
5. Vừng đen
Theo y học cổ truyền, hạt vừng đen có tên thuốc là hắc chi ma, có tác dụng nhuận tràng, giúp giảm táo bón hiệu quả.
Để chữa táo bón có thể dùng hạt vừng đen 300g rang chín, giã nhỏ, rây bột; lá cối xay 300g thái nhỏ, nấu với 2 - 3 lần nước rồi cô thành cao đặc. Trộn bột với cao, làm thành bánh 5g. Ngày dùng 2 bánh, hãm với nước sôi, uống sau mỗi bữa ăn.
Hoặc hạt vừng đen 20g; sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm mỗi vị 16g; thạch hộc 12g. Tất cả phơi khô, sao vàng, tán bột, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên, ngày uống 10 - 20g.
Chữa táo bón do trương lực cơ giảm: vừng đen 12g, đảng sâm 16g; bạch truật, sài hồ, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc vừng đen 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, sài hồ, thăng ma mỗi vị 12g; đương quy, nhục thung dung, bá tử nhân mỗi vị 8g; trần bì, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.