Mọi người thường gọi Trần Quang Thái là “Thái hói” vì đầu ít tóc. Thái đang là chuyên viên truyền thông Ngân hàng nhưng đam mê viết báo, đặc biệt là mảng thể thao. Thái trông rất "đầu gấu" nhưng thực ra lại là một người vui tính, nhạy cảm.
Vợ của “Thái hói” là Lưu Ly, nickname là “Bánh Rán”, tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Quản lý văn hóa và môn học tốt nhất là thanh nhạc. Tuy nhiên, từ ngày lấy nhau, “Bánh Rán” cũng ít hát hò, chỉ còn hát cho chồng con nghe.
Hai vợ chồng “Thái hói” và “Bánh rán” có 2 đứa con, tên gọi ở nhà là Nơm và Nỉ, Nơm chuẩn bị vào lớp 1 và Nỉ thì tròn 3 tuổi. “Bánh rán” có vài năm hành nghề buôn bán online và suốt quãng thời gian ấy, “Thái hói” được trải nghiệm rất nhiều cảm giác với các cung bậc khác nhau.
Gia đình mới đăng tải những trải lòng thú vị này:
Vợ thích thì mình phải ủng hộ thôi
Phụ nữ có những thứ niềm đam mê mà đàn ông chúng ta không bao giờ có thể hiểu nổi. Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, cố gắng nở nụ cười và ủng hộ người phụ nữ của cuộc đời bạn. Phải chịu khó chút thôi....
Tôi hơn vợ tôi có 5 tuổi thôi, nhưng ra đường thì vợ chồng tôi hay bị nhầm là chú cháu. Vào quán trà sữa, mua trà sữa cho vợ con, rõ ràng 2 đứa con tôi cứ ì èo gọi "bố ơi" mà cái bọn trẻ ở quán trà sữa ấy toàn hỏi "chú uống gì" rồi quay sang vợ tôi hỏi "chị ơi chị uống gì".
Đi xem phim, tôi hay để vợ mua vé, tùy vợ tôi quyết định xem nên xem phim gì, và khi có phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi thì vợ tôi vẫn hay bị hỏi là: em đủ tuổi chưa đấy. Khổ quá, chị này 2 con rồi đấy em ơi.
Khởi nghiệp gian nan
Vợ tôi trước đây cũng đi làm ở mấy công ty, nhưng rồi sau bầu bí thằng lớn thì nghỉ, rồi sau lại đi làm. Đến giờ có con nhỏ rồi, chồng lại hay đi công tác, làm gì đó để có thể chủ động thời gian chăm con được thì cũng tốt.
Vợ tôi bắt đầu “khởi nghiệp”, bắt đầu star-up của cuộc đời cô ấy cách đây mấy năm", tôi vinh dự được góp một phần "tài trợ"khởi nghiệp là một chiếc máy khâu trị giá tầm 2 triệu đồng.
Một ngày đẹp trời, vợ tôi bảo: - Em quyết định rồi, em sẽ mở một tiệm may, thiết kế đồ và bán online, đấy là cái em thực sự muốn làm...
Tôi chiều vợ: - Ừ, thôi thì vợ làm thì anh ủng hộ thôi.
(Thực ra, với mỗi người chồng, khi vợ thực sự thích và muốn làm một cái gì đó, thì cũng phải ủng hộ thôi, chứ cũng đâu còn sự lựa chọn nào khác).
Khi ấy, biết vợ thích may mặc, tôi mua tặng vợ tôi một cái máy may cũ, hàng bãi của Nhật. Khi xem xét cái máy may, tôi bảo vợ: ừ, quả là đồ kim khí điện máy Nhật em nhỉ, dùng tốt thật. Cái máy may giờ vẫn chạy tốt.
Trên Facebook có rất nhiều nhóm hội kiểu Hội chị em thích may vá, các mẹ bỉm sữa bàn tán với nhau suốt ngày chuyện may vá vải vóc không thấy chán.
Sau thời gian chuẩn bị, thì cái tiệm may nhỏ của vợ tôi cũng ra đời. Trong lúc cho con nhỏ ti thì vợ tôi vẫn vẽ vẽ vài nét trên một quyển sổ nhỏ, và đó là một thiết kế "Made by Bánh Rán".
Trong quyển số ấy cũng có ghi thông số kiểu chị A, số đo 3 vòng 85-60-90, váy xanh, chiết eo, điểm hoa bên ngực phải, kiểu kiểu thế.
Tôi cũng từng định học làm bánh, nhưng rồi trong sự chờ đợi háo hức của thằng con tôi, tôi nướng cái bánh cho thằng con cháy đen thui, khói um nhà. Nó kết luận: "Bố chả biết làm bánh gì cả".
Tóm lại, món may vá, và làm bánh trái, nó có lẽ, à không, chắc chắn chẳng hợp lắm với những ông chồng.
Quên tất cả, trừ… 1000 loại vải
Sau khi vợ “khởi nghiệp”, nhà tôi bắt đầu biến thành một cái kho vải, bố con tôi ngủ cạnh vải và ăn bên cạnh vải.
Thời Phây búc, chị em cũng ít còn đi chợ vải theo kiểu lên chợ Hôm ra chợ Đồng Xuân như các mẹ các chị ngày xưa nữa. Giờ có các chợ vải online, vải nhập theo cân theo kiện theo mét gì đó. Nhưng nhiều mảnh vải chỉ có tầm vài mét, ai mua thì "còm" vào đó, người nào "còm" trước thì được mua còn ai không "đặt gạch" kịp miếng vải mình thích thì "chúc may mắn lần sau".
Thành ra, khéo nửa đêm hàng về, hoặc bên bán post lên, vợ tôi vẫn đi chợ vải online.
Có vài lần tôi đưa vợ tôi đi lấy vải. Trong 1 gian phòng lớn, chị em thi nhau chọn, tôi đứng ngó tầm 5 phút mà đã thấy mệt, chẳng hiểu sao họ có thể ở đấy cả tiếng và chọn từ cả nghìn loại vải ra 5 thứ vải mình thích nhỉ.
Lắm hôm mua trượt một mảnh vải, vợ tôi buồn cả tối, lắm hôm mua được mảnh vải lụa ưng ý may váy cho khách, vợ tôi cứ vui cả ngày.
Thằng con tôi, có hôm quên mất một điều gì đó, rồi nó bảo với bố: "Bố ạ, lắm lúc não con còn não cá vàng hơn cả mẹ ấy nhỉ".
Vợ tôi, lắm khi quên đủ thứ, từ quên chìa khóa đến quên điện thoại đến quên tiền, ngôn ngữ mạng vẫn hay nói là "Hội chứng não cá vàng sau sinh", nhưng lại có thể nhớ rõ cả nghìn loại vải khác nhau, mỗi loại ấy màu sắc thế nào, chất liệu ra sao, giá tiền thế nào, cộng cả trăm mẫu áo váy phụ kiện khác nhau.
Khi chồng phải cạnh tranh với… điện thoại di động
Phụ nữ lắm cái thật kỳ lạ. Hai người phụ nữ ngồi với nhau và nói về váy áo, có lẽ họ có thể nói liền 1 mạch 48 tiếng không cần ăn không cần ngủ thì phải.
Vợ tôi ngồi lên mẫu với khách hàng có khi đến cả tiếng, xong rồi trước khi đi về khách lại quay trở lại "À, chị muốn may thế này cơ", "À, nhưng mà liệu có đẹp không, hay là....", đại loại thế, có thể mất thêm tiếng nữa, rồi về họ lại chat với nhau qua inbox thêm một tiếng nữa.
Nhiều khi tôi phát bực "Này vợ, em có thể bỏ cái điện thoại xuống được không, cứ online mãi thế...", và câu trả lời lúc nào cũng là "Em đang trả lời khách...".
|
Từ khuân vác, shipper đến giám đốc truyền thông cho vợ
Từ ngày vợ bán hàng, tôi ngoài là người chồng của vợ tôi, người cha của các con tôi còn trở thành phu khuân vác chuyên nghiệp, shiper kiêm luôn cả chức "giám đốc truyền thông" cho thương hiệu nhà.
Hoặc tôi đèo vợ tôi kèm 2 túi vải, 2 túi quần áo, hoặc tôi thồ cả một tải vải to đằng sau xe, em đã biến anh thành một thằng đi buôn chuyến rồi vợ ơi. Thỉnh thoảng tôi biên "tút" bán hàng cho vợ tôi, "tút" lên là đơn hàng về, món này thì đỡ nhất, không mệt mà lại vui.
Rất thường xuyên, vợ tôi làm gấp một bộ 2 chiếc váy mẹ con cho 1 khách hàng quen nào đó vì "để nhà chị ấy kịp mai đi du lịch, mẹ con chị ấy ngày mai đi chụp ảnh".
Hoặc nửa đêm, khi đã cho con nhỏ bú no và đi ngủ, vợ tôi lại dậy, bật đèn, cần mẫn khâu khâu vá vá, đơm lại cái cúc, đính lại bông hoa trên một mẫu cho một ai đó.
May mặc, đôi khi bị chật một chút, bị rộng một chút, lại phải may may vá vá, sửa sửa, nhìn thế thôi mà lắm thứ công đoạn. Rồi lại giao nhầm địa chỉ, hay trục trặc khâu nào đó hàng lại chuyển lại rồi chuyển đi, thậm chí váy áo gửi tận sang Canada rồi lại được gửi ngược về rồi lại gửi đi, lắm chuyện thật.
Chỉ cần vợ vui
Đi ship hàng cho vợ, gặp toàn những bà mẹ bỉm sữa vui tính mua áo váy cho con, hay một ông bố nào đó xuống nhận hàng, trả tiền một bộ váy áo cho con gái mình, thực lòng tôi cũng thấy rất vui. Online xem ảnh mấy mẹ mua váy áo cho con mình rồi gửi feed back lại cho vợ tôi, cũng vui thấy một niềm vui rất thật.
Và một thứ niềm vui lớn nữa là giờ quần áo của cả nhà đều là "thương hiệu nhà", hai mẹ con có đồ đôi, hai bố con cũng có đồ đôi, mềm - mát - mịn mà bố lại không mất tiền mua.
Đôi khi tôi vẫn bảo vợ: "Em ạ, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế lớn, khởi đầu của họ cũng chỉ là một nhà thiết kế, với một cái máy may đặt trong nhà bếp thôi. Em cố gắng đến ngày nào đó, giàu, chồng em đỡ phải đi làm chỉ ở nhà rong chơi, được vợ nuôi".
Ngày đó chẳng biết có đến không, chỉ cần biết rằng hiện tại, vợ tôi được sống, được thỏa mãn cái mà cô ấy yêu thích, đam mê, được vui vẻ với mỗi sản phẩm từ bàn tay mình làm ra, thế thôi cũng là được rồi.
Trần Quang TháiBạn đang xem bài viết Tôi đã thành khuân vác, shipper, giám đốc truyền thông cho vợ bán hàng online như thế nào? tại chuyên mục Tâm sự của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].