Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang được kiểm soát. Cụ thể, từ 31/12/2022 đến 8/1, số ca mắc mới ở ngưỡng dưới 100. Tuần qua, nước ta cũng không ghi nhận thêm ca tử vong.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của XBB.1.5, một dòng phụ của biến thể Omicron.
Tại Việt Nam, biến thể XBB đã xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mới có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng mắc COVID-19 sẽ tăng. "Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số ca mắc, tử vong sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau Tết khoảng 15-30 ngày, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng về ca mắc. Bênh cạnh đó, XBB.1.5 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng sự gia tăng đi lại trong giai đoạn gần Tết, trong Tết cùng với các nước mở cửa đường biên, biến thể này chắc chắn sẽ xuất hiện tại nước ta".
Do vậy, người dân không nên chủ quan mà hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh như khẩu trang, sát khuẩn và tiêm phòng theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để được bảo vệ
Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn “quản lý bền vững” dịch COVID-19 và đã thực hiện rất tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù COVID-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc COVID-19.
TS Angela Pratt nhấn mạnh: Mỗi cá nhân cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.
Trong những tuần tới và đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán, chúng ta cần đảm bảo rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế có thể tiếp tục hoạt động tốt và nền kinh tế và xã hội có thể tiếp tục mở.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín và tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm cả liều tiêm nhắc lại”, TS Angela Pratt khuyến cáo.
Được biết, Việt Nam đã tiêm gần 266 triệu liều vaccine, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tương ứng 80,2% và 86,9%.
V.LinhBạn đang xem bài viết Tình hình dịch COVID-19 mới nhất: Xuất hiện biến chủng mới tại 2 tỉnh, nguy cơ Tết tăng số ca mắc tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].