Sáng ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm.
Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.
Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Quang Thái cho biết, toàn tỉnh có 282 khu cách ly tập trung với năng lực tiếp nhận 24.000 người, đã sử dụng 174 khu với khoảng 15.000 người; đang triển khai dự phòng nâng công suất tiếp nhận lên 30.000 người.
Sau khi tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (KCN), tỉnh Bắc Giang đã lập 35 tổ rà soát, đánh giá các điều kiện, nguy cơ để quay trở lại sản xuất của 231/310 DN. Theo đó có 34 DN ít nguy cơ, 15 DN nguy cơ thấp, 40 DN nguy cơ trung bình, 60 DN nguy cơ rất cao. Tỉnh đang hướng dẫn DN hoàn thiện các điều kiện để hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là các DN nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các DN sản xuất linh kiện điện tử, làm việc môi trường kín, tỉnh đã hướng dẫn DN chia nhỏ các khu sản xuất, các nhóm sản xuất ở cùng nhau, sinh hoạt cùng nhau, đi cùng xe để có nguy cơ thì khoanh được ngay, theo mô hình “công nhân an toàn, sản xuất an toàn, DN an toàn”.
Bắc Giang đã triển khai tiêm vaccine ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, công nhân tại DN đang hoạt động.
Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tỉnh đang tập trung mọi biện pháp quyết liệt nhất để xử lý các ca nhiễm lây từ cộng đồng vào DN sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, bảo vệ bằng được hoạt động sản xuất.
Đến thời điểm hiện tại, năng lực cách ly của Bắc Ninh khoảng 20.000 người, cơ sở điều trị đáp ứng được 1.500 giường, trong đó điều trị tích cực từ 50 đến 100 giường. Công suất xét nghiệm đạt khoảng hơn 30.000 mẫu PCR mẫu gộp mỗi ngày và sẽ được nâng lên hơn 40.000 mẫu; đồng thời sử dụng xét nghiệm nhanh sàng lọc trong KCN, các điểm nguy cơ cao trong cộng đồng…
Tỉnh yêu cầu tất cả các DN phải xây dựng các phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh, giãn cách lao động, phân luồng lao động, tổ chức ca kíp, khai báo y tế… để duy trì sản xuất. Đến nay, khoảng 700 DN với 240.000 lao động sẽ thực hiện phương án duy trì sản xuất, những DN không đáp ứng được sẽ tạm dừng hoạt động.
Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19 từ công tác xét nghiệm, cài đặt phần mềm Bluzone, khai báo y tế điện tử toàn dân (đã đạt 70% dân số); tạo lập QRCode của DN cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), lập tổ phân tích thông tin để truy vết, đánh giá, dự báo những khu vực có nguy cơ cao…
Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm.
Hà Nội, TP.HCM:
Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP.HCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ô dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bình tĩnh, chủ động, xử lý linh hoạt các giải pháp chống dịch trên địa bàn, hơn 10 chùm ca bệnh xuất hiện từ đầu tháng 5 về cơ bản đã được kiểm soát và làm sạch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 18/5 tới nay đã ghi nhận 4 chuỗi lây nhiễm. Trong đó, 2 chuỗi lây nhiễm liên quan công ty ở quận 3 và quán bánh canh tại quận 3 đều đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để.
Chuỗi lây nhiễm liên quan hội thánh truyền giáo Phục Hưng hiện đã điều tra, truy vết gần 1.000 F1 và 37.000 F2. TPHCM đang mở rộng truy vết để xác định chuỗi lây nhiễm thứ 4 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có liên quan đến chuỗi lây nhiễm hội thánh truyền giáo Phục Hưng hay không.
TPHCM nhận định nguy cơ lây nhiễm rất cao tại các tòa nhà văn phòng kín và đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TPHCM. Thành phố sẽ giữ mức độ cảnh giác cao nhất, xử lý nghiêm mọi vi phạm; mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề phải chủ động phòng thủ; nâng mức cảnh giác tại các bệnh viện, KCN; quản lý chặt các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà; tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, đẩy mạnh truyền thông để mỗi người tự nhận thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng… Nâng công suất cách ly lên khoảng 30.000 người; tổ chức tiêm vaccine đợt 3 đúng tiến độ với 73.000 liều…
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ Y tế nhận định tình hình COVID-19 mới nhất ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].