Ngày 23/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể cho ý kiến thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, trong đó có báo cáo về đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 (dự kiến khai mạc tháng 5/2018).
Về đề án cải cách bảo hiểm xã hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), cho biết cơ quan tham mưu của Ban Cán sự Đảng của Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách BHXH phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng.
Đề án được thiết kế ba tầng, tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành.
Tầng thứ 3 là bảo hiểm bổ sung, thực chất là bảo hiểm tự nguyện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm bảo hiểm và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.
Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62
Về tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đề án trình Trung ương đặt ra lộ trình để nâng tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án.
Phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62 nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng.
Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Quan điểm của Chính phủ nghiêng về phương án một.
Mai ChiBạn đang xem bài viết Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62 tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].