Theo quy định của Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với trường hợp người tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố, nhưng tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương mà không có giấy chuyển tuyến, theo quy định tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT.
Theo Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT quy định trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng của đối tượng tham gia BHYT theo tỷ lệ như sau:
-Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
-Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng BHYT
Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.
Bên cạnh đó, đối với người tham gia khi bị mất thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT và sẽ được cấp giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT.
Trong thời gian này, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia chỉ cần xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh sẽ được hưởng chế độ BHYT theo quy định.
Trường hợp người tham gia chưa làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT mà vẫn đi khám chữa bệnh sẽ phải tự thanh toán các chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và lấy hóa đơn về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH theo quy định.
Được biết, đến nay Việt Nam đã có hơn 70 triệu người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế về Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định:
“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.
2. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.
3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Người dân khám bệnh vượt tuyến bệnh viện được hưởng Bảo hiểm y tế như thế nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].