Áp lực 5 sao
Mỗi cuốc xe sẽ được khách đánh giá theo thang điểm từ 1 - 5 sao dựa trên mức độ hài lòng của khách.
Muốn tham gia chương trình hỗ trợ doanh thu, số sao phải từ 4,9 trở lên.
Sao dưới 4,7, tài xế có thể bị cảnh cáo và ngưng chạy một tuần.
Điều này có nghĩa là chỉ cần khách chấm 4 sao, coi như tài xế bị sụt điểm.
Bên cạnh đó, theo thuật toán của ứng dụng, tài xế nào có càng nhiều sao thì tỉ lệ ‘nổ’ sẽ lớn hơn những tài xế ít sao.
N.D., một tài xế Grabbike Hà Nội bức xúc nói: ‘Việc chấm sao này theo mình có rất nhiều bất cập. Có chuyến khách đòi đi xa hơn so với điểm đặt trên ứng dụng, mình đòi thêm tiền thì khách khó chịu về chấm 1 sao cho cuốc xe'.
Có khi khách đặt xe ở đầu ngõ nhưng bắt mình đón tận trong ngách sâu, lại phải tốn tiền điện thoại hỏi đường đi và xăng xe. Nếu không đón thì khách bức xúc chấm 1 sao, mà đón khách thì mình lại phải chịu thiệt thòi’.
Bên cạnh đó, theo tài xế Hoàng Anh chia sẻ, những anh em chạy đêm gặp khách là thành phần phức tạp quyết định huỷ chuyến để đảm bảo an toàn có khi lại bị khách chấm 1 sao.
Vì vậy có khi phải bất chấp hiểm nguy để bảo toàn số sao trên ứng dụng, may mắn không sao thì mới dám thở phào nhẹ nhõm’.
Nỗi sợ đánh giá lẫn nhau
Vào nhóm Hội Grabbike Hà Nội trên Facebook mới thấy sự cạnh tranh khốc liệt của các tài xế.
Nhiều thành viên lên nhóm chửi bới vì bị chính anh em 'bán đứng', chụp ảnh không đội mũ, mặc áo đồng phục, bắt khách dọc đường rồi báo lên công ty.
Grab có chương trình tích điểm đổi thưởng. Ai chụp ảnh GrabBike về việc GrabBike không chấp hành gửi về tổng đài sẽ được thưởng điểm.
Anh N., một tài xế Grabbike kể lại: ‘Có lần mình bị mất mũ bảo hiểm chưa kịp mua lại, chạy xe ngoài đường thì bị chụp ảnh gửi về tổng đài. Ngay hôm đó mình đã bị khoá tài khoản 3 ngày và phải nộp phạt 300.000 đồng nếu muốn tiếp tục chạy Grab’.
Ám ảnh của Grabbike
Nguyễn Thành Chung, sinh viên Đại học Lâm nghiệp vừa mới ra trường lựa chọn thời gian chạy Grab của mình sau giờ hành chính, lúc kết thúc công việc chính của cậu ở một văn phòng bất động sản.
Thu nhập từ việc làm thêm này đem lại cho Chung khoảng 200- 300 nghìn đồng mỗi buổi tối, giúp cậu có thêm thu nhập để trang trại cuộc sống vì gia đình ở quê cũng không được khá giả.
Vừa ra ngoài đường tìm chỗ đỗ xe chờ khách gọi, Chung đã dặn ngay: 'Chờ mình chỗ nào không có mấy ông xe ôm ngồi đấy nhé!'.
Để tránh xung đột với xe ôm truyền thống, cánh tài xế GrabBike thường ít bắt khách ở khu vực từ lâu đã trở thành địa bàn cũ như cổng bệnh viện, bến xe, đặc biệt như bến xe Mỹ Đình ở TP Hà Nội và bến xe Miền Đông, ga Sài Gòn ở TP HCM.
Đối với những tài xế Grabbike, nỗi lo luôn canh cánh cho họ khi ra đường là giới xe ôm truyền thống đang ngày càng khó làm ăn hơn bởi quá nhiều dịch vụ xe ôm hiện đại ra đời, đặc biệt là Grabbike và UberMotor.
Cứ thỉnh thoảng, trên mạng xã hội lại rộ lên những hình ảnh, video clip quay cảnh tài xế Grabbike bị hành hung bởi xe ôm truyền thống làm rấy lên rất nhiều những lo lắng, tranh luận từ những tài xế Grabbike và cả cư dân mạng.
Theo đại diện Công ty Grab VN trong năm qua đã xảy ra 65 vụ xe ôm GrabBike (còn gọi là xe ôm công nghệ) bị xe ôm 'truyền thống' hành hung như hăm dọa và đuổi đánh.
Những mâu thuẫn xảy ra hầu hết từ những xích mích trong việc bắt khách, đón khách.
Xe ôm truyền thống cho rằng các lái xe Grab đang 'đạp đổ bát cơm của mình', lại không biết cách nào để cạnh tranh một cách lành mạnh nên gây ra thù hằn, gây gổ, đánh nhau.
Hiểm nguy trong những chuyến xe đêm
Câu tục ngữ 'Đi đêm lắm có ngày gặp ma' đúng với cả cánh tài xế Grabbike chạy đêm.
Chạy Grab buổi đêm được các tài xế lựa chọn bởi lý do ‘trời mát, đường sá rộng rãi, đỡ tắc đường. Đêm khách thường đi chơi nên cũng rộng rãi, ‘bo’ nhiều hơn. Chưa kể, từ tháng 6.2017, dân chạy đêm từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng bọn mình được phụ thu thêm 10.000 đồng/cuốc’.
Cánh tài xế Grabbike chạy đêm Hà Nội thường tập trung ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bởi khu vực này có xác suất ‘nổ’ (có khách đặt cuốc, tiếng lóng của các tài xế Grabbike) cao hơn những khu vực khác về đêm.
Anh Hoàng Anh, một tài xế đã có hơn một năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: ‘Những cuốc xe đêm có lúc ‘rợn tóc gáy’ khi gặp khách là đối tượng giang hồ, nghiện hút...
Việc cần tránh nhất là đón khách trong các ngách nhỏ hoặc chạy ra ngoại thành. Có lần mình chở khách đặt cuốc xe, bảo chở đến nơi rồi chờ để đưa khách về tiếp. Đến lúc trả khách tại điểm đến và đứng đợi thì thấy trong địa chỉ ấy có cả đối tượng đang tiêm chích ma tuý’.
Nhẹ thì các tài xế bị khách quỵt tiền, nặng thì bị khách đe doạ, trấn lột hết tài sản.
Một tài xế khác chia sẻ: ‘Mình chạy đêm có lần bị khách dí kim tiêm vào sau lưng đe doạ, trấn lột hết tiền và điện thoại trong người’.
Tài xế GrabBike đem xe và sức khỏe của mình ra để kiếm sống, thời gian ở ngoài đường rất nhiều nên rủi ro gặp tai nạn cao.
Trong bầu không khí ô nhiễm như vậy mà cánh tài xế Grabbike làm thêm cũng phải dành ra 4, 5 tiếng mỗi ngày ở ngoài đường, còn các tài xế làm toàn thời gian chạy xe có khi lên đến 14, 15 tiếng/ngày.
Để mưu sinh được với chiếc xe máy của mình hàng ngày, chuyện đánh sao 'tụt hạng' với Grabbike rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa phải là tất cả!
Kiều DươngBạn đang xem bài viết Từ chuyện bị đánh 1 sao vì mũ bảo hiểm ướt, thử nhìn vào những áp lực của Grabbike tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].