Nội dung:
Theo quy định của Luật bảo hiểm, thẻ BHYT được cấp lại trong các trường hợp sau: Thẻ bị rách, nát, hỏng; thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc thông tin cá nhân bị sai lệch.
Thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT năm 2020
Để thực hiện việc xin cấp lại thẻ BHYT, người tham gia bảo hiểm y tế phải đến cơ quan BHXH tỉnh, quận, huyện để điền vào tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT; giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đổi thẻ BHYT theo mẫu số 4, phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 gửi bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, quận, huyện.
Người tham gia BHYT cần mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước khi đến làm thủ tục xin cấp lại thẻ
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế cần chuẩn bị sẵn chứng minh thư hoặc căn cước công dân.
Cơ quan BHXH tỉnh, quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, nhận tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT; giấy tiếp nhận hồ sờ, hẹn trả kết quả BHYT và ký nhận.
Thời gian cấp lại thẻ BHYT
Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
+ Cấp mới:
Không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người tham gia BHYT. Riêng trường hợp người hưởng trợ cấp thất nghiệp, không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
+ Cấp lại:
Trong trường hợp không thay đổi thông tin: Không quá 2 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Từ 1/1/2019, nhận ngay trong ngày nếu hồ sơ đầy đủ.
Trường hợp thay đổi thông tin: Không quá 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo quy định.
Trường hợp người tham gia đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện ngay trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trong thời gian chờ đổi thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT bình thường nếu xuất trình đủ các loại giấy tờ sau:
+ Giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT;
+ Giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của Công an xã hoặc giấy tờ có xác nhận của cơ sở giáo dục; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác: ví dụ như hộ chiếu hoặc bằng lái xe.
Người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi bình thường trong thời gian chờ đổi thẻ
Hình thức nộp hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT
Người tham gia BHYT có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT: 1 bản chính; Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn kết quả đổi trả thẻ BHYT: 1 bản chính; Thẻ BHYT cũ trong trường hợp thẻ rách, nát, hoặc thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu.
Trên đây là một số lưu ý trong việc xin cấp lại thẻ BHYT năm 2020. Việc nắm chắc những thông tin này có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc trong những tình huống cần kíp.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế năm 2020 đơn giản nhất tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].