Cách cúng cô hồn, chúng sinh
Trong dân gian quan niệm, ngày rằm tháng 7 là ngày lễ xá tội vong nhân, các vong linh được trở về dương trần. Tục dân gian hay nói đến cụm từ cô hồn để chỉ nhũng linh hồn cô độc, không nơi nương tựa.
Vì vậy, mâm cúng chúng sinh trong dịp rằm tháng 7 là một phần không thể thiếu trong nhiều gia đình. Việc cúng chúng sinh để thể hiện sự bố thí, cúng cho các cô hồn, vong linh cơ nhỡ không quấy phá gia đình, cầu cho sức khỏe bình an, mọi việc thuận lợi.
Mâm cúng chúng sinh thông thường được chuẩn bị bao gồm: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...). Các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, bánh, kẹo, hoa quả bày thành mâm lớn. Ngoài ra chuẩn bị thêm một đĩa muối, một đĩa gạo, một nồi cháo trắng kèm thìa lá mít. Gia đình có thể thêm vàng mã tùy ý, mâm chúng sinh đặt ngoài sân, hành lang cách biệt khu vực nhà ở.
Gia chủ cúng một tuần hương (3 nén) xong xuôi đem gạo muối rải ra khu vực đường đi, đầu ngõ, ngã ba, ngã tư, kẹo bánh chia cho trẻ con hàng xóm để tán lộc.
Gia đình có thể sử dụng các bài văn khấn cổ truyền hoặc văn tế thập loại chúng sinh, sau khi khấn xong hóa cùng vàng mã.
Chuẩn bị cúng gia tiên đúng cách
Việt Nam là một dân tộc nặng ân tình và biểu hiện ra bằng lễ nên rằm tháng 7 cũng là dịp con cháu tưởng nhớ về vong linh gia tiên đã khuất. Việc chuẩn bị lễ cúng chu tất thể hiện đức hiếu sinh với các bậc gia tiên tiền tổ.
Cúng lễ gia tiên không thể thiếu 6 thứ sau: hương là thứ để kết nối tâm linh, hoa, đèn nến, trà hoặc nước trắng, quả, thực.
Trong đó thực là đồ ăn không thể thiếu cơm trắng, canh bánh đa, đồ mặn như giò, chả, thịt luộc, thịt gà không bắt buộc.
Một số gia đình có thể sử dụng cỗ chay để cúng dịp này vì cũng là dịp lễ Vu lan của Phật giáo.
Đối với gia đình dang tiến vàng mã cho gia tiên thường gia đình sẽ biếu mỗi vong linh một bộ quần áo, kèm tiền vàng tùy tâm.
Nên lưu ý mỗi bộ mã nhớ ghi thông tin của người mất như: tên, tuổi, ngày giỗ, mộ táng ở đâu vào mảnh giấy nhỏ cài vào bộ quần áo của vong linh.
Lúc khấn mời gia tiên về chứng lễ rằm tháng 7 cũng khấn cả tên tuổi, ngày giỗ, mỗ táng như vậy. Sau tàn tuần hương, khấn tạ lại một lần rồi đem đi hóa.
Đặc biệt, với gia đình có người mới mất việc chuẩn bị có phần phức tạp hơn. Thứ nhất, gia đình phải chuẩn bị cúng mã nộp đó là đủ thứ từ quàn áo, chăn màn, nhà cửa, bát đĩa, xe cộ... Thứ hai, 01 con ngựa màu tím, 01 mũ quan, hia hài, quần áo quan màu tím dành cho Vũ Lâm sứ giả tiếp dẫn vong hồn người mới mất. Còn lại, chuẩn bị lễ vật, đồ cúng như bình thường.
Việc cúng rằm tháng 7 cho vong linh và gia tiên thường tổ chức vào buổi chiều tối của ngày 14 âm lịch hoặc là vào trưa ngày 15 âm lịch.
Tóm lại, việc lễ rằm tháng 7 là tục lệ dân gian cổ truyền nhằm thể hiện đức hiếu sinh, sự từ bi của gia chủ. Không cần mâm cao cỗ đầy, cúng bái linh đình, chỉ cần thành tâm để cầu những điều may mắn an lành cho gia đình, cũng như là dịp nghĩ ơn tiên tổ, hồi hướng công đức cho các vong linh tại gia.
(Thầy Thích Tâm Hiệp, Trụ trì chùa Kim Bản, am Thụy Ứng, Chuyên gia tâm linh chủ trì nhiều đại lễ cầu siêu lớn: Nam Định, Quảng Trị, Huế...)
Tuệ Minh (ghi)Bạn đang xem bài viết Thầy Thích Tâm Hiệp hướng dẫn cúng rằm tháng 7 theo phong tục người Việt tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].