Công nghệ thông tin – Yếu tố quan trọng quyết định thành công của mô hình ‘bệnh viện chị em’

Nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin mà ngành y tế Hà Nội đã bước đầu triển khai thành công mô hình “bệnh viện chị em”, giúp người bệnh được hưởng lợi khi đi khám chữa bệnh.

Người bệnh hưởng lợi nhờ mô hình "bệnh viện chị em"

Thời gian vừa qua, cùng với thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình "bệnh viện chị em" giữa BV ĐK Xanh Pôn, BV ĐK huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì với mục tiêu BV ĐK Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Cụ thể, đối với Trung tâm y tế huyện Ba Vì, BV ĐK Xanh Pôn hỗ trợ phát triển chất lượng chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu ban đầu; hỗ trợ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ cho người bệnh...

Trong thời gian ngắn, BV ĐK Xanh Pôn đã đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ban đầu cho 8 bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm y tế huyện Ba Vì.

Việc thí điểm mô hình "bệnh viện chị em" là một tiền đề để Trung tâm y tế huyện Ba Vì có điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng chuyên môn, khám, chữa bệnh cũng như tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Đồng thời, việc hợp tác này còn giúp Trung tâm y tế huyện Ba Vì phát triển mạng lưới y tế cơ sở về tất cả các lĩnh vực như: cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực, tài chính, dịch vụ y tế, năng lực khám chữa bệnh ngay tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, thị trấn.

Mô hình bệnh viện chị em giúp BV ĐK huyện Ba Vì triển khai được nhiều kỹ thuật khó

Mô hình bệnh viện chị em giúp BV ĐK huyện Ba Vì triển khai được nhiều kỹ thuật khó

Đối với BV ĐK huyện Ba Vì, BV ĐK Xanh Pôn hỗ trợ cải tiến quy trình khám chữa bệnh một chiều; hỗ trợ đào tạo từ xa, hội chẩn từ xa, đi buồng từ xa đối với các lĩnh vực ngoại, nội, hồi sức - chống độc, gây mê hồi sức… Đặc biệt, BV ĐK Xanh Pôn đã hỗ trợ BV ĐK huyện Ba Vì cấp cứu, chẩn đoán, xử trí đột quỵ thông qua việc chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết. Nhờ vậy mà BV ĐK Ba Vì đã cấp cứu thành công các ca nhồi máu não.

Theo Giám đốc BV ĐK huyện Ba Vì, với mô hình “bệnh viện chị em”, BV ĐK huyện Ba Vì đã đưa đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh vào hoạt động. Đây là tiền đề tiến tới thành lập khoa cấp cứu và khoa sơ sinh tại bệnh viện.

Với những kết quả đạt được, mô hình “bệnh viện chị em” của ngành y tế Hà Nội đã được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao, là một cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới. Các hoạt động hỗ trợ được thực hiện toàn diện trên tất cả lĩnh vực như: quản trị bệnh viện; đào tạo, hướng dẫn thực hành; phát triển chuyên môn kỹ thuật với nhiều hình thức hỗ trợ như: hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ từ xa (online), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin – Chìa khóa quyết định thành công

Để mô hình “bệnh viện chị em” bước đầu đạt được những thành công như hiện nay, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà BV ĐK Xanh Pôn có thể hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hàng ngày, cùng lúc cho BV ĐK huyện Ba Vì, Trung tâm y tế huyện Ba Vì và nhiều đơn vị y tế tuyến xã tại huyện.

Đào tạo nâng cao chất lượng sơ cấp cứu cho y tế cơ sở

Đào tạo nâng cao chất lượng sơ cấp cứu cho y tế cơ sở

Hệ thống khám bệnh từ xa được thiết lập giúp bác sĩ BV Xanh Pôn có thể hội chẩn hàng ngày với các bác sĩ BV ĐK huyện Ba Vì và các phòng khám khu vực ở Minh Quang, Tản Lĩnh và Bất Bạt. Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân được tham gia, nói chuyện cùng bác sĩ, bệnh nhân được khám, kê đơn thuốc giống như đi khám ở BV Xanh Pôn.

Thông qua hệ thống đi buồng ảo trực tuyến, bác sĩ tại BV ĐK Xanh Pôn sẽ cùng bác sĩ bệnh viện huyện thăm, đánh giá diễn biến sức khỏe ca bệnh nội trú hoặc các ca cấp cứu phức tạp, đưa ra chỉ định đúng, kịp thời.

Kết nối này giúp bệnh viện chị hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện em, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ cho công tác khám, chữa bệnh.

Mô hình “bệnh viện chị em" đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong mọi hoạt động như hội chẩn hỗ trợ cấp cứu từ xa, khám bệnh, điều trị và đi buồng từ xa; giao ban trực tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ từ xa… Nhờ đó mà giúp các bệnh viện tuyến dưới nhanh chóng phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ, quản trị bệnh viện, phát triển chuyên môn kỹ thuật…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình "bệnh viện chị em" để người dân sớm tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tải cho các đơn vị y tế tuyến trên, để người dân được chăm sóc sức khỏe từ sớm, từ xa.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính