Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bởi, y tế cơ sở thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh chất lượng y tế cơ sở, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, ngành Y tế Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị em" giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Cụ thể, trong tháng 9/2023, Sở Y tế Hà Nội đã giao cho BV ĐK Xanh Pôn xây dựng và triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện chị em”. Theo đó, BV ĐK Xanh Pôn tập trung hỗ trợ toàn diện BV ĐK huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì trong các lĩnh vực, như: Quản trị bệnh viện; quản lý, sắp xếp khoa, phòng; đào tạo, hướng dẫn thực hành; chia sẻ kinh nghiệm, phát triển chuyên môn kỹ thuật…
Kết quả sau 2 tháng được tư vấn, hỗ trợ đào tạo từ BV ĐK Xanh Pôn, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì đã triển khai lắp đặt 6 hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng, kết nối hỗ trợ hội chẩn cấp cứu, giao ban trực tuyến tại 3 phòng khám đa khoa. Qua đó, tổ chức khám, tư vấn sàng lọc và quản lý hơn 2.500 lượt người, phát hiện trên 1.200 trường hợp mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Còn tại BV ĐK Ba Vì, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ đào tạo của BV ĐK Xanh Pôn mà đã đưa vào hoạt động Đơn nguyên cấp cứu và Đơn nguyên sơ sinh; thiết lập 1 phòng khám BV ĐK Xanh Pôn, tổ chức giao ban trực tuyến… Hàng ngày, các bác sĩ của BVĐK Xanh Pôn sẽ thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca bệnh nặng, phức tạp. Qua đó, đã điều trị, cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, mạng lưới y tế cơ sở của Hà Nội hiện có 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 54 phòng khám đa khoa; 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với chỉ đạo các đơn vị y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, hỗ trợ chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị máy móc, hóa chất cho công tác y tế dự phòng các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn hàng trăm tỷ đồng.
Hiện, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai 198 dự án thuộc cấp huyện đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí 1.135,9 tỷ đồng … góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, nhất là với các đối tượng chính sách gồm: người nghèo và cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công. Cùng với đó, Hà Nội đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội đẩy mạnh mô hình “Bệnh viện chị em”, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].