Tết Hàn Thực có phải Tết Thanh Minh không?
Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực có phải là 1 hay không là điều mà nhiều người thắc mắc.
Theo một số tài liệu còn ghi lại, thực tế hai ngày này hoàn toàn không giống nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất nhiều người lầm tưởng 2 ngày này là một.
Vậy Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực là gì?
* Tết Hàn Thực
Theo cuốn Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bích có ghi:
Tết Hàn Thực là ngày mồng 3/3 âm lịch. Hàn Thực có nghĩa là đồ ăn lạnh.
Sự tích về ngày này liên quan tới điển tích Trung Quốc của nhân vật tên Giới Tử Thôi.
Ở Việt Nam, ngày Tết Hàn Thực không phải để tưởng nhớ Giới Tử Thôi hay kiêng đốt lửa như người Trung Quốc mà ngày này người ta sẽ tưởng nhớ tới công ơn dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên đã khuất.
Vào ngày này, người ta sẽ làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh rồi sắp lên bàn cúng gia tên, Thần Phật.
* Tết Thanh Minh
Cũng trong cuốn Phong tục Việt Nam, trong khoảng tháng ba có một tiết hậu gọi là Thanh Minh.
Thanh Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ, quang đãng. Người xưa thường đi tảo mộ gọi là Hội Đạp Thanh.
Tuy người Việt không ăn tết ấy nhưng cũng nhiều gia đình chọn dịp này để đi thăm mộ người thân, có cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết thì đắp bồi lên rồi về nhà làm mâm cỗ cúng gia tiên.
Thông thường, Thanh Minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người Việt coi là lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh sẽ đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày.
Tết Hàn Thực cúng gì?
Dù nói là không cần cúng bái quá cầu kỳ thế nhưng vào ngày Tết Hàn Thực, người Việt từ bao đời vẫn có thói quen sắm sửa, bày biện mâm lễ mọn cùng tấm lòng thành kính để dâng cúng tổ tiên.
Vậy Tết Hàn Thực cúng gì?
Thông thường, trên mâm cỗ cúng Tết 3/3 thường sẽ có: Bánh trôi bánh chay (nên chuẩn bị 3 - 5 bát), hương, hoa, trầu cau, ly nước sạch, mâm ngũ quả...
Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà lựa chọn các món lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, không cần quá bày vẽ mà tốn kém.
Văn khấn cúng Tết Hàn Thực đầy đủ nhất
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………..
Ngụ tại: ………………………Hôm nay là ngày: ………………. gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………… cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
(Theo Văn khấn nôm truyền thống của NXB Thanh Hóa).
* Lưu ý, thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Thanh HươngBạn đang xem bài viết Tết Hàn Thực có phải Tết Thanh Minh không? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].