'Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn', câu nói này là một triết lý quen thuộc và có vai trò định hướng cho mỗi người nếu muốn làm nên 'việc lớn'.
Lão Tử cũng nói: 'Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện thắng' (Đạo đức kinh), có nghĩa là 'Đạo Trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng' để nhấn mạnh vai trò của sự nhẫn nhịn.
Phật gia cũng giảng: 'Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất'.
Dù nhấn mạnh vào sự thần thánh bên trong như Nho gia, hay nhấn mạnh vào sự dung hòa như Đạo gia, hay giảng đạo từ bi với chúng sinh như Phật gia, tất cả đều tập trung vào ý nghĩa của chữ 'nhẫn'. Người có khả năng nhẫn nhịn thì mọi việc đều thành.
Trong các sách cổ của Trung Quốc cũng nhiều lần đề cập đến đức tính này.
Quẻ Dịch Tốn nói rằng: 'Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục'. Nghĩa là người có đức hạnh luôn luôn tự mình cảnh giác để ức chế sự phẫn nộ và dục vọng.
Trong 'Luận Ngữ' ghi lại lời khuyên dạy của Khổng Tử: 'Hàm răng cương ngạnh nên mới dễ bị gãy, cái lưỡi mềm mại nên mới dễ bảo tồn. Nhu nhuyễn nhất định thắng cương ngạnh, nhỏ yếu mà lại chiến thắng cường đại.'
Trong quan điểm của người Trung Quốc xưa, nhẫn không phải là thuận theo mà không có nguyên tắc, cũng không phải là sự nhu nhược.
Những người có chí có đức mới có thể bao dung điều mà người khác không thể bao dung.
Khi bị người khác làm nhục, vẫn có thể cung kính khiêm tốn, không oán hận hay phẫn nộ. Ý chí rộng rãi ấy chính là một trong những nguyên tắc đối nhân xử thế không thể thiếu nếu muốn làm việc lớn.
'Nhẫn việc nhỏ để làm việc lớn' chính là nguyên tắc đầu tiên nhằm lấy đại cục làm trọng, nhẫn nhịn những việc nhỏ nhặt để hoàn thành sứ mệnh to lớn hơn, vì mục tiêu chung thay vì cảm xúc riêng.
Cổ nhân có dạy: 'Người khoan dung không phải là kẻ ngốc, kẻ ngốc không giống như người khoan dung'.
'Nhẫn được thì nhẫn, kiềm chế được thì phải kiềm chế. Không nhẫn không kiềm chế được, việc nhỏ thành việc lớn'.
Đại ý giống như một câu tục ngữ của người Việt: 'Chuyện bé xé ra to' - chỉ người có suy nghĩ hẹp hòi, thiếu chín chắn mới làm lớn những chuyện không đáng, tạo khó khăn, cản trở cho người khác.
Tất cả đều nói với chúng ta đạo lý sâu sắc rằng: 'Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao'.
LamBạn đang xem bài viết Tại sao người Trung Quốc xưa coi trọng chữ 'nhẫn', cốt lấy đại cục làm trọng? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].