1. Hồng lâu mộng - bài học về tình yêu và quan niệm 'nhân sinh như mộng'
Một bài học đáng giá của một trong những tác phẩm bán chạy nhất của mọi thời đại này là bài học về chữ 'tình'.
'Tình' là thứ dễ khiến con người ta nhầm lẫn, nhiều người đọc hàng vạn cuốn sách vẫn không biết, nhiều người sống hết cả một đời vẫn không hiểu.
Trong một đời người, 'tình' là một trong những điều tuyệt vời nhất, cũng có khi lại là thứ khiến người ta đau khổ nhất. Vì chữ 'tình' hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, từ tình yêu, tình bạn đến tình thân đều từ chữ 'tình' mà ra.
Trong Hồng Lâu Mộng, điều khiến người ta cảm động nhất không gì khác chính là tình yêu. Đây là một chủ đề rất đỗi thiêng liêng cũng vô cùng đời thường.
Tình yêu là thứ dễ dày vò trái tim con người ta nhất. Trong tình yêu vừa có hạnh phúc, vừa có muộn phiền, vừa có hy vọng, vừa có thất vọng. Trái tim nguyện sống chết có nhau, nhưng lại không tránh khỏi kiếp sinh ly tử biệt.
Điều đáng nói là tên tác phẩm 'Hồng lâu mộng' đã nói lên điều mà tác giả muốn truyền đạt. Tình yêu tuy đẹp, nhưng vì tất cả chỉ là 'mộng', nên phải biết buông bỏ và quay về thực tế.
Quan niệm nhân sinh như mộng cũng là một trong những dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm này. Vốn có ảnh hưởng lâu dài trong tầng lớp trí thức phong kiến, cảm xúc nhân sinh đại nhược mộng được Tào Tuyết Cần trở đi trở lại trong tác phẩm.
Muôn vật từ không mà ra rồi lại trở về không, đó là lẽ sinh thành mà tác giả tỏ ra rất thấm thía.
'Trong cõi hồng trần đành rằng có nhiều thú vị nhưng không phải là nơi nương náu lâu dài. Huống chi 'Ngọc lành có vết, cuộc đời đa đoan', tám chữ thường đi liền với nhau. Rồi trong chớp mắt, vui hết đến buồn, người thay cảnh đổi rút cục chỉ là giấc mộng, muôn cõi đều trở thành không'.
Tuy cảm thấy cái mong manh của đời người nhưng tác giả cũng không vì thế mà cho rằng cuộc sống là vô nghĩa. Các nhân vật trong Hồng lâu mộng đều tràn đầy mong muốn và lòng khao khát được sống.
Đó dường như cũng là khát khao sống của mỗi con người dù cuộc đời có lắm chông gai, trắc trở.
2. Tam quốc diễn nghĩa - bài học về sự lắng nghe và quan tâm
Có lẽ ít ai ngờ rằng, sở dĩ Tào Tháo đạt nhiều thành công chính là nhờ biết 'nghe'. Ông luôn nghe ý kiến của cấp dưới và làm theo những lời khuyên có lợi cho mình.
Trong trận Quan Độ, nhờ nghe theo lời khuyên của Tuân Húc đã giúp Tào Tháo biến nguy cơ thất bại trở thành chiến thắng huy hoàng.
Như Kinh Thi nói: 'Người biết dùng người và nghe ý kiến người khác thì không bao giờ phải hối hận.'
Tôn trọng và quan tâm cấp dưới cũng là một trong những nghệ thuật quản lý quý báu mà chúng ta có thể học hỏi từ Tào Tháo.
Tào Tháo luôn tỏ ra tiếc thương cho những vị tướng đã khuất của mình, ngay cả con ngựa đã hy sinh của ông cũng được bày tỏ sự thương tiếc chân thành.
'Ôn cố tri ân', bài học đối nhân xử thế này của Tào Tháo đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn tác dụng.
Trong một cơ quan hay xí nghiệp, ngoài quan hệ công việc, nếu cấp trên tôn trọng và quan tâm cấp dưới sẽ tạo cho họ sự phấn khởi, làm việc hăng hái và có trách nhiệm.
Kinh nghiệm ấy tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ và làm được.
3. Thủy hử - bài học về 'chính nghĩa'
Khi phân tích kỹ tác phẩm Thủy hử, ta sẽ phát hiện thấy Thủy hử thiếu tình cảm chính nghĩa.
Các anh hùng hảo hán trong tác phẩm chỉ lo báo thù riêng tư; họ quan tâm nhiều hơn đến sự thừa nhận họ là hảo hán và họ coi trọng nghĩa khí của hảo hán.
Song loại nghĩa khí ấy không chú trọng cái nghĩa của chuẩn tắc đạo đức, không phải là chính nghĩa.
Xã hội hiện đại ngày nay có nét tương đồng với các anh hùng Lương Sơn ở khoảng cách giữa 'tình nghĩa' và 'lợi ích'.
Đằng sau 2 chữ 'lợi ích' là hai chữ 'ích kỷ', khiến con người ta dễ trở nên 'lạnh nhạt'.
Giống như Tống Giang, chỉ biết đến lợi ích cá nhân, biết mình không biết người, cuối cùng bị chiêu an, hại chết cả đồng đội của mình.
Đây cũng là một 'căn bệnh' trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vì lợi ích cá nhân mà trở nên lãnh đạm, thiếu chữ 'nghĩa' trong việc đối nhân xử thế với người khác.
4. Tây du ký
Tác phẩm này để lại cho nhân loại những bài học sâu sắc, trong đó phải kể đến 4 bài học dưới đây về khả năng lãnh đạo của Đường Tăng.
- Niềm tin tối cao
Đường Tăng luôn tiến về phía trước bằng niềm tin cao nhất của mình, dù có hi sinh tính mạng không từ bỏ, nhưng Ngộ Không thì không thể.
Ngộ Không tuy có năng lực siêu phàm, nhưng không kiên định vào mục tiêu của mình, nhiều lần đánh trống bỏ dùi.
Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực, khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi, thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo.
- ‘Vô dụng’ cũng là tài sản quý giá của một người lãnh đạo
Cái thứ 2 mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có chính là ‘Vô dụng’.
Đường Tăng vô dụng nên mới tìm được những đồ đệ có bản lĩnh, mới có thể bao dung những khuyết điểm của người khác.
Cũng chính vì Đường Tăng vô dụng mà Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ và thể hiện được hết giá trị của mình, từ đó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình với lòng nhiệt thành nhất.
Trong một công ty hay xí nghiệp, lãnh đạo công ty có thể không phải người giỏi nhất, nhưng phải biết chiêu mộ những nhân viên giỏi thì công ty mới có thể đứng vững, thay vì lãnh đạo giỏi giang mà dẫn dẵn cả một đội ngũ nhân viên vô dụng.
- Mối quan hệ
Đọc tác phẩm, hẳn ai ai cũng dễ dàng nhận ra mối quan hệ của Tôn Ngộ Không với những người khác đều rất không tốt.
Đường Tăng thì không giống như vậy. Ông nhìn thấy thần tiên đều rập đầu bái lạy, cũng không có một kẻ thù nào. Ông không những là đệ tử của Như Lai, lại còn là ngự đệ của vua Đường Lý Thế Dân.
Mối quan hệ ở cả hai giới người và thần đều có, quan hệ không những tốt mà còn là quan hệ ở cấp cao, quan hệ thông thiên.
Người như vậy thì làm ông chủ sẽ thuận buồn xuôi gió. Là một ông chủ, về đối ngoại phải biết tạo dựng những mối quan hệ (nguồn quan hệ), đối nội phải biết sáng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài).
- Nhân đức
Một điều nữa mà Đường Tăng có, Tôn Ngộ Không không có là ‘nhân đức’.
Vì có lòng nhân đức nên Đường Tăng thương hại cả tính mạng của yêu quái. Đồng thời cũng không so đo đồ đệ của mình, không lợi dụng họ để che chắn bản thân khi gặp nguy hiểm.
Đường Tăng mặc dù để ba đồ đệ bảo hộ mình, nhưng lại tuyệt đối không có ý bóc lột mà lại dẫn dắt họ cùng nhau nỗ lực, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau thành công. Sau cùng, ba đồ đệ của Đường Tăng cũng đều đạt được thành tựu.
Làm người lãnh đạo, 'nhân đức' là điều vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố tạo nên sự quan tâm, tôn trọng của người lãnh đạo đối với cấp dưới, giúp cấp dưới có tâm lý thoải mái, tin tưởng, làm việc hăng hái và có trách nhiệm hơn.
Lam ĐiểuBạn đang xem bài viết Những bài học đáng giá rút ra từ tứ đại danh tác của Trung Quốc tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].