Do thời tiết lạnh kéo dài, có những ngày lạnh dưới 10 độ C, khiến nhiều người - đặc biệt là trẻ nhỏ, mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Gia Đình Mới giới thiệu với bạn đọc bài viết so sánh 3 loại si rô chữa ho được đánh giá là có hiệu quả sử dụng đối với trẻ nhỏ.
Si rô ho Bổ phế Nam Hà: loại thuốc ho quen mà lạ
Đây là loại thuốc ho có ‘lịch sử’ gần như ‘lâu đời’ nhất trong tủ thuốc gia đình của người Việt Nam.
Thuốc ho Bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ có nhiều dòng sản phẩm, bao gồm cả si rô, viên ngậm. Trong dòng sản phẩm si rô Bổ phế Nam Hà, bài viết này sẽ tập trung giới thiệu một sản phẩm mới: Bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ KĐ dùng đường không năng lượng.
Ưu điểm đầu tiên của thuốc Bổ phế Nam Hà nằm ở thành phần dược liệu chính.
Trong 125 ml si rô có chứa 21,593g dược liệu. Trong đó, hàm lượng nhiều nhất là bách bộ: 6.250g; tiếp theo là tỳ bà diệp: 3.250g.
Trong cuốn ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ (GS, TS Đỗ Tất Lợi, NXB Y học, NXB Thời đại), cây bách bộ cũng như lá của cây tỳ bà (tỳ bà diệp) nằm đầu bảng trong các thuốc chữa ho, trừ đờm.
Theo tác giả Đỗ Tất Lợi, cây bách bộ có hoạt chất stemonin, chất này có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung khu hô hấp, có tác dụng ức chế phản xạ ho.
Chính vì các thành phần này mà thuốc ho Bổ phế Nam Hà là loại thuốc nhiều bà mẹ chọn sử dụng ngay khi thấy con có triệu chứng ho, khò khè.
Các dược chất Đông y khác trong thuốc như lá bạc hà, cam thảo, mơ muối... có tác dụng cực tốt để chữa ho mà hoàn toàn không có tác dụng phụ.
So với các sản phẩm Bổ phế Nam Hà truyền thống, sản phẩm mới dùng đường không năng lượng (đường sucralose). Đây chính là điểm cải tiến, đồng thời là ưu điểm lớn nhất của sản phẩm.
Đường sucralose là một chất làm ngọt nhân tạo không chứa năng lượng (calo) thường được sử dụng trong các sản phẩm có mác ‘ăn kiêng’ (diet).
Ưu thế của loại đường này so với đường tự nhiên là không gây sâu răng, thích hợp với người tiểu đường, béo phì và trẻ em.
Hiện trên thị trường si rô ho, rất ít sản phẩm có ưu điểm này.
Việc sử dụng đường sucralose tạo cho Thuốc ho Bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ một ‘điểm cộng’ không thể phủ nhận. Những bà mẹ đang đau đầu về thói ‘hảo ngọt’ hoặc chứng béo phì của con mình chắc chắn sẽ yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm này.
Nếu như thuốc ho Bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ loại truyền thống khá ngọt, thì dòng sản phẩm sử dụng đường không năng lượng có vị đắng dịu và hương thơm của bạc hà, bách bộ, tì bà diệp.
Thuốc ho Bổ phế Nam Hà Chỉ Khái Lộ chỉ dùng cho trẻ em từ 30 tháng tuổi trở lên. Do đặc điểm của các thảo dược trong thuốc như tinh dầu bạc hà, tỳ bà diệp... là có vị đắng nên trẻ nhỏ hơi khó uống.
Si rô ho Prospan: vị ngọt dịu, dùng được cho trẻ sơ sinh
Ưu điểm nổi bật của si rô ho Prospan khiến nhiều bà mẹ lựa chọn để điều trị cho con nhỏ đó là: thuốc có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh.
Liều dùng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi) của si rô Prospan là 2.5 ml/lần x 3 lần/ngày.
Thành phần chính của thuốc là cao khô lá thường xuân – một loại thảo dược chữa ho phổ biến ở Châu Âu.
Ba đặc điểm nổi bật của cao khô lá thường xuân là: tiêu nhầy, chống co thắt và giảm ho.
Trong thành phần tá dược, nhà sản xuất bổ sung thêm hương anh đào, vì vậy thuốc rất thơm. Thuốc không chứa đường nhưng có vị ngọt dịu của cao lá thường xuân. Hương vị của thuốc khá dễ uống với trẻ nhỏ.
Ưu điểm thứ 2 của loại thuốc được sản xuất tại CHLB Đức này là: quy cách đóng gói tiện cho việc sử dụng.
Phần cổ chai thuốc có gắn thêm chi tiết để điều chỉnh hướng của chất lỏng, khiến cho việc rót thuốc vào cốc đong một cách gọn gàng, chính xác, không gây rơi rớt thuốc trong quá trình sử dụng.
Về hướng dẫn sử dụng, đây là loại thuốc được có phần hướng dẫn rất cụ thể, hữu ích. Hướng dẫn sử dụng nêu rõ về thời gian điều trị, các lưu ý như:
‘Trong trường hợp bệnh vẫn còn dai dẳng và xuất hiện tình trạng khó thở, sốt, đàm có mủ hoặc máu, phải đi khám bác sĩ ngay lập tức’.
Ưu điểm thứ 3 nói trên là điều mà các nhà sản xuất Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ các ‘đồng nghiệp’ của họ, đơn vị sản xuất thuốc ho Prospan.
Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng, nhưng phải dùng ít nhất là một tuần, ngay cả khi chỉ bị nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Để đảm bảo việc điều trị được thành công, nên dùng thuốc thêm 2 – 3 ngày sau khi đã hết các triệu chứng bệnh.
Nhà sản xuất thuốc ho Prospan
Một điều lầm tưởng tai hại của nhiều người tiêu dùng khi sử dụng các thuốc không kê đơn như si rô ho là không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Các nhà sản xuất dường như cũng ‘lơ là’ hơn khi hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn so với hướng dẫn sử dụng thuốc bán theo đơn (như kháng sinh).
Người tiêu dùng hoàn toàn không biết giới hạn thời gian tối đa hay tối thiểu nên dùng thuốc, không biết đến các cảnh báo cần lưu ý về diễn biến xấu đi của bệnh – dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ.
Nhược điểm của thuốc ho Prospan là thuốc Prospan chống chỉ định: ‘Đối với những trường hợp bất dung nạp Fructose’.
Fructose là còn gọi là đường fructô, đường hoa quả hay đường trái cây, là một loại đường xuất hiện trong mật ong, cây và trái của cây nho, hoa, quả, và hầu hết các loại rau củ.
Những người bị dị ứng với đường fructose sẽ bị nôn, sổ mũi, tiêu chảy... khi tiêu thụ một lượng nhất định của loại đường này.
Si rô ho Bảo Thanh: vị ngọt đậm, dễ uống với trẻ nhỏ
Bảo Thanh được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Hoa Linh – một đơn vị có uy tín lâu năm trong thị trường thuốc Nam dược.
Cũng là si rô ho chiết xuất từ các loại thuốc Đông y, nhưng si rô ho Bảo Thanh tập trung vào sử dụng mật ong (25g/1 lọ 125ml).
Mật ong là loại thuốc chữa ho quen thuộc với người Việt. Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ phế, tiêu viêm, giải độc, giảm đau.
Ngoài ra, công thức của thuốc còn chứa tỳ bà diệp (12.5g/ 125ml), giống như thuốc ho Bổ phế Nam Hà.
Thành phần si rô ho Bảo Thanh còn chứa ô mai, chính là quả mơ được phơi hay sấy khô.
Ô mai vốn được dùng trong dân gian làm thuốc chữa ho từ lâu đời. Vị thuốc này có tác dụng chữa ho, trừ đờm... và lành tính, hoàn toàn không có tác dụng phụ.
Nhược điểm của loại si rô ho này là thuốc không dùng được với trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
Ngoài ra, thuốc vừa có mật ong, trong tá dược lại bổ sung đường trắng vì thế có độ ngọt cao. So với 2 loại thuốc ho Bổ phế Nam Hà dùng đường không năng lượng và Prospan thì đây là loại thuốc có độ ngọt đậm nhất.
Do vậy thuốc ho này không nên dùng cho bệnh nhân tiểu đường, trẻ béo phì.
Nếu cha mẹ đang cố ‘giữ chặt nắp lọ đường’ để con không bị hảo ngọt thì cũng nên cân nhắc khi cho con dùng loại thuốc này.
Thuốc có thể gây sâu răng do có đường, vì vậy sau khi uống thuốc trẻ cần được vệ sinh răng miệng đầy đủ.
Tóm tắt ưu điểm và nhược điểm của 3 loại si rô ho:
Video khuyến cáo về cách lựa chọn si rô ho:
Phương Phương - Ái LinhBạn đang xem bài viết So sánh 3 loại si rô ho Bổ phế Nam Hà, Bảo Thanh và Prospan: Khác biệt ở cách tạo ra vị ngọt tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].