Với những người có bệnh lý về huyết áp thì việc ‘đầu tư’ một chiếc máy đo huyết áp để có thể tự theo dõi tại nhà các chỉ số về huyết áp, tim mạch là điều vô cùng thiết yếu.
Chúng tôi chọn so sánh hai loại phổ biến nhất là máy đo huyết áp bắp tay ALP K2, model K2 - 231 và máy đo huyết áp cổ tay Omron, model HEM 6131.
1. Về công nghệ của ALP K2 và Omron
Cả 2 loại máy đo huyết áp này đều sử dụng công nghệ dùng máy điện tử để đo các sóng mạch của cơ thể, từ đó cho ra các thông số: huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu), huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương), nhịp tim.
Điểm khác nhau là ALP K2 thì đo mạch ở bắp tay, trong khi đó máy Omron đo mạch ở cổ tay.
Nguyên tắc chung của việc đo huyết áp bằng máy điện tử là vị trí của máy đo luôn phải ngang với tim của bệnh nhân. Đây chính là điều mà các nhà sản xuất luôn nhấn mạnh trong hướng dẫn sử dụng.
Máy ALP K2 đo mạch ở bắp tay, một cách tự nhiên, vị trí này ở ngang với tim. Vì thế máy ALP K2 và dòng máy đo huyết áp điện tử bắp tay nói chung thường được cho là chính xác hơn so với máy đo huyết áp điện tử cổ tay.
Tuy nhiên, dòng máy đo huyết áp điện tử cổ tay lại có những ưu điểm riêng. Máy Omron chính là đại diện tiêu biểu cho dòng máy này với đặc điểm: gọn nhẹ - dễ mang đi – dễ đọc kết quả.
Người mua máy đo huyết áp thường là người trẻ tuổi, nhưng người sử dụng lại là ông bà cha mẹ của họ. Với những người lớn tuổi, đặc biệt những người có bệnh lý huyết áp, chiếc máy đo cần dễ sử dụng, dễ mang đi.
Với chiếc máy Omron, trọng lượng không gồm pin chỉ có 101 gam, đặc biệt nhỏ gọn và tiện lợi. Thiết bị y tế này rất thích hợp với những người già vì có thể tự lồng vào tay và quan sát như xem đồng hồ.
Bên cạnh đó, vị trí đo ở cổ tay khiến người bệnh có thể dễ dàng cho thiết bị tiếp xúc với mạch, không phải cởi bớt áo khoác hay xắn tay áo lên như khi dùng máy đo ở bắp tay.
2. Về đặc điểm cơ bản của ALP K2 và Omron
Cả 2 loại máy đo huyết áp này đều cung cấp cho người sử dụng các thông số cơ bản:
- Huyết áp tối đa
- Huyết áp tối thiểu
- Nhịp tim
Ngoài ra, có một số đặc điểm riêng của từng loại máy thể hiện qua bảng so sánh sau đây:
3. Về giá cả và bảo hành
Máy đo huyết áp điện tử có giá thành đắt hơn so với máy đo huyết áp cơ (dùng tai nghe, thường được bán với giá trung bình khoảng 200.000 đồng).
Tuy nhiên, do máy đo huyết áp cơ khá khó sử dụng, phải có một người thứ hai đo giúp chứ người bệnh không thể tự đo được.
Thông thường người đo phải là bác sĩ, y tá, hộ lý hoặc một người đã được đào tạo phương pháp đo huyết áp mới có kết quả đo chính xác.
Ngược lại, với máy đo huyết áp điện tử, người bệnh hoàn toàn chủ động trong việc tự theo dõi huyết áp của mình. Tùy theo nhu cầu, người tiêu dùng có thể chọn:
Máy đo huyết áp điện tử bắp tay ALP K2: giá thành – 1.200.000 đồng, bảo hành – 2 năm
Máy đo huyết áp điện tử cổ tay Omron: giá thành – 950.000 đồng, bảo hành – 5 năm
4. Lưu ý khi sử dụng 2 loại máy
Theo các chuyên gia y tế, với cả 2 loại máy đo huyết áp tự động, người tiêu dùng cần lưu ý:
- Có thể ngồi hoặc nằm để đo huyết áp, nhưng vị trí đặt máy đo phải ngang tim. Giơ cao tay quá tim hay đặt xuôi tay khiến vị trí máy đo không chuẩn, dẫn đến sai lệch về kết quả.
- Nên đo huyết áp ở cả 2 tay để so sánh kết quả, lấy kết quả trung bình.
- Nên đo huyết áp khi bệnh nhân đang ở trạng thái tĩnh. Nếu bệnh nhân đi ra ngoài về hoặc vừa có hoạt động cơ bắp, cần để bệnh nhân nghỉ ít nhất 5 phút mới tiến hành đo.
- Bệnh nhân không uống nước chè, cà phê hay các chất kích thích trước khi đo huyết áp.
- Bệnh nhân không nói chuyện, cử động, đi lại, vắt chéo chân trong lúc đo huyết áp.
- Lưu ý mức độ túi hơi của máy tiếp xúc với cơ thể: cả 2 loại máy đều có các túi hơi tiếp xúc với cổ tay hoặc bắp tay. Mức độ bó của túi hơi vào cơ thể phải vừa phải, không quá chặt cũng không quá lỏng.
Tư vấn của Gia Đình Mới về lựa chọn máy đo huyết áp điện tử:
Máy đo huyết áp điện tử bắp tay:
- Thích hợp với những người muốn theo dõi huyết áp tại nhà, tốt hơn nếu có người bên cạnh hỗ trợ đeo túi hơi.
- Chỉ số có độ chính xác cao hơn so với máy đo huyết áp điện tử cổ tay nên thích hợp với những người có bệnh nặng về huyết áp, tim mạch.
Máy đo huyết áp điện tử cổ tay:
- Thích hợp để tự đo huyết áp tại mọi địa điểm, không cần có người hỗ trợ.
- Có thể đo ở cổ tay mà không cần phải cởi áo khoác, vén tay áo nên phù hợp sử dụng vào mùa đông hoặc với người có tổn thương ở bắp tay.
- Máy đo điện tử cổ tay phù hợp với người hay di chuyển do nhỏ gọn, dễ mang đi.
- Máy đo điện tử cổ tay thích hợp với người cao tuổi nói chung, không có bệnh lý đặc biệt về huyết áp hay tim mạch.
Mời độc giả theo dõi Clip hướng dẫn chi tiết cách sử dụng 2 loại máy đo huyết áp.
Người hướng dẫn là tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2).
Phương Phương - Ái LinhBạn đang xem bài viết Trên tay 2 loại máy đo huyết áp điện tử thông dụng: Tiện dụng cho từng hoàn cảnh tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].