Tân sinh viên cần bao nhiêu tiền một tháng?
Các tân sinh viên đang chuẩn bị nhập học sau khi đã các trường Đại học đã công bố điểm trúng tuyển.
Với các thí sinh ngoại tỉnh về Hà Nội học tập, các phụ huynh và chính các tân sinh viên đều đang rất quan tâm tới chi phí sinh hoạt trong một tháng ở Hà Nội.
Các cựu sinh viên hoặc sinh viên đang học năm 3, năm 4 của các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định, chi phí này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, phụ thuộc vào lối sống, tính cách cũng như sự quản lý chi tiêu của từng sinh viên.
"Có những bạn gia đình chỉ có điều kiện chu cấp 2,5 triệu/tháng cũng đủ nhưng có những sinh viên bố mẹ khá giả cho con tới 5 - 6 triệu/tháng nhưng vẫn thiếu. Do vậy, để nói bao nhiêu là đủ thì không có con số cụ thể mà chỉ có thể tính số chi phí tối thiểu thôi" - Đặng Thu Hà (SN năm 3, trường Đại học Thương Mại), chia sẻ.
Vậy, tối thiểu một tháng sinh viên năm nhất ở Hà Nội sẽ phải chi tiêu hết bao nhiêu tiền? Các phụ huynh và sinh viên tham khảo bảng chi tiêu cơ bản dưới đây:
1. Tiền nhà trọ: Nếu ở ghép (tính luôn cả điện nước) thì vào khoảng 1.000.000 - 1.200.000 đồng/tháng.
(Nếu xin ở được ký túc xá sinh viên thì sẽ chi phí này sẽ giảm đi).
2. Tiền ăn: 40.000- 50.000/ngày, khoảng 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/tháng. Sinh viên nên tự nấu ăn để vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm. Với các sinh viên ở tỉnh lẻ nên tiết kiệm bằng việc chịu khó mang thực phẩm từ quê ra, sẽ đỡ chi tiêu hơn với việc đi chợ hàng ngày ở Hà Nội.
3. Tiền đi lại: 200.000 đồng (Đa số sinh viên tìm phòng trọ quanh trường học nên đi bộ đi học, hoặc đi xe buýt. Số kinh phí này vẫn đủ để các bạn có thể đi khám phá Hà Nội bằng xe buýt những lúc rảnh rỗi).
4. Tiền tiêu vặt, chi phí phát sinh: 300.000 VND.
Như vậy, trung bình một tháng, sinh viên Hà Nội phải chi tiêu sinh hoạt tối thiểu từ 3.000.000 - 3.200.000 đồng/tháng.
Ở Hà Nội, có rất nhiều cơ hội làm thêm nên cũng có nhiều sinh viên chăm chỉ đã tìm đến các công việc làm thêm ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập, khiến cuộc sống thoải mái hơn một phần, đồng thời đỡ một phần vất cả cho bố mẹ ở quê.
Mẹo tiết kiệm chi tiêu cho sinh viên
Để không phải có những lúc lúng túng vì hết sạch tiền, các bạn sinh viên nên có kế hoạch chi tiêu cũng như kiểm soát được việc chi tiêu của bản thân. Một số mẹo để tiết kiệm chi tiêu như:
1. Luôn ghi lại các khoản chi tiêu
Bạn hãy tập cho mình thói quen ghi lại những khoản chi tiêu hàng ngày dù lớn hay nhỏ. Từ đó bạn sẽ biết được lý do tại sao tháng này bạn tiêu nhiều tiền, tháng kia bạn tiêu ít tiền. Từ đó bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm để cân bằng chi tiêu hàng tháng.
2. Phải phân biệt giữa “Cần” và “Thích”
Thích thì vô cùng còn Cần chỉ có hạn. Ví dụ, bạn Thích một chiếc iPhone nhưng thực tế bạn chỉ Cần một chiếc điện thoại để nghe gọi và lướt web, giá 1/2 chiếc Iphone đó. Vì thế hãy hiểu rõ cái bạn thật sự Cần chứ không phải cái bạn Thích và luôn nhớ mình là sinh viên, chi tiêu cần giới hạn.
3. Ăn uống lành mạnh và hạn chế ăn vặt
Ăn uống lành mạnh và dựa trên một khoản chi phí nhất định. Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến bệnh tật và bạn phải chi tiêu nhiều hơn. Bạn nên hạn chế ăn vặt nhất là những bữa ăn đêm.
4. Tiết kiệm chi phí đi lại
Nếu ở gần trường, bạn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp. Nếu ở xa, bạn có thể đi xe buýt với sự hỗ trợ của nhà nước. Khi giá xăng tăng vọt, việc đi xe máy không phải là một quyết định khôn ngoan.
5. Làm 1 công việc bán thời gian
Bạn có thể kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống bằng cách làm một công việc bán thời gian. Có nhiều công việc dành cho sinh viên, và trong những dịp lễ, tết thì những công việc thời vụ luôn chào đón bạn. Hãy làm việc chăm chỉ nhưng cố gắng đừng để việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học của bạn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Sinh viên năm nhất ở Hà Nội tiêu bao nhiêu tiền một tháng là đủ? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].