Chị Nguyễn Minh Hà (Xuân Đỉnh, Hà Nội) mang thai tuần thứ 34. Do trước khi biết tin mang bầu, chị có uống một đợt thuốc trị đau răng nên khi biết mình có bầu, chị vừa mừng vừa sợ. Chị được nhiều người kể, có bầu mà uống thuốc thường hại cho con, nhất là dễ dị tật.
Lo lắng, chị tìm đến siêu âm nhiều, ngoài các mốc quan trọng, cứ nghe người ta chỉ bác sĩ giỏi, chị lại tìm đến.
Thế nhưng, chị lại lo hơn khi thi thoảng trên mạng có thông tin siêu âm nhiều không tốt, siêu âm nhiều có hại cho trẻ nhỏ.
Không riêng với chị Hà, rất nhiều phụ nữ mang bầu, nhất là có thai lần đầu đều băn khoăn về việc có nên hay không siêu âm nhiều. Và sóng của siêu âm có nguy hiểm đến sức khoẻ mẹ, bé hay không.
Bác sĩ Khoa Chấn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay chưa có bằng chứng nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng về việc sóng siêu âm gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai.
Tuy nhiên việc siêu âm quá nhiều lần khi mang thai là điều không cần thiết và tốn kém cho thai phụ. Các thai phụ nên đi khám thai siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để có được sự tư vấn từ bác sỹ và có một kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp.
3 thời điểm vàng để siêu âm hiện nay là ở tuổi thai: 12 – 14 tuần (12 tuần), 21 - 24 tuần (22 tuần) và 28 – 32 tuần (32 tuần).
Ở tuổi thai 12 – 14 tuần, việc siêu âm sẽ giúp phát hiện sớm các dị tật lớn ở thai nhi như các bất thường về hệ thần kinh trung ương (thai vô sọ, não lộn ngoài,...) hay các bất thường khác như thoát vị rốn, khe hở thành bụng, một số dị tật về chân, tay.
Ngoài ra, việc đo khoảng sáng sau gáy tại thời điểm này kết hợp với xét nghiệm sàng lọc Double test có ý nghĩa rất quan trọng trong sàng lọc một số hội chứng rối loạn di truyền hay gặp như: Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau.
Siêu âm ở tuổi thai 21 -24 tuần là lần siêu âm giúp phát hiện hầu hết các bất thường hình thái ở thai nhi, trong đấy có các bệnh lý tim bẩm sinh.
Lần siêu âm lúc thai được 28 – 32 tuần là lúc đánh giá sự phát triển của thai trong tử cung, đồng thời cũng là thời điểm khảo sát tiếp một số bất thường ở khác ở thai nhi.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi hay không? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].