Báo Điện tử Gia đình Mới

Sau khi làm thẻ Căn cước công dân, 5 loại giấy tờ phải thay đổi mà người dân cần biết

Căn cước công dân sẽ gắn liền với rất nhiều giấy tờ cá nhân khác mà số thẻ Căn cước lại khác với Chứng minh thư cũ nên khi làm thẻ Căn cước gắn chíp xong cần phải thay đổi 1 số giấy tờ.

Hộ chiếu

Theo Luật Việt Nam, khi điền Tờ khai xin cấp hộ chiếu X01, người dân sẽ phải khai các thông tin bắt buộc như: Họ và tên; Ngày sinh; Nơi sinh; Giới tính; Số CMND/thẻ CCCD... và chúng sẽ xuất hiện luôn trên hộ chiếu.

Do hộ chiếu có thể hiện thông tin số CMND/CCCD nên với trường hợp đổi từ CMND 9 số qua CCCD 12 số (bị thay đổi số), người dân bắt buộc phải đi sửa đổi thông tin trên hộ chiếu cho thống nhất.

Việc này để tránh bị làm khó khi hải quan cửa khẩu một số nước yêu cầu công dân xuất trình thêm CCCD mà thông tin không trùng khớp giữa 2 loại giấy tờ này.

Tài khoản ngân hàng

Thay đổi CMND thành thẻ CCCD gắn chip thì thông tin cá nhân trong hồ sơ tài khoản ngân hàng không còn trùng khớp. Vì chúng ta sử dụng chứng minh thư nhân dân để xác nhận thông tin mình là chủ tài khoản. Nếu các số bị sai lệch nhân viên không thể đối chiếu và xác nhận bạn là chủ của tài khoản. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các giao dịch.

  Thẻ ngân hàng cũng phải thay đổi thông tin.

Thẻ ngân hàng cũng phải thay đổi thông tin.

Việc bạn cần làm là báo lại với ngân hàng quản lý tài khoản để kịp thời hỗ trợ thay đổi thông tin cá nhân tài khoản. Chỉ có thực hiện như vậy, mọi giao dịch trên tài khoản ngân hàng mới không bị đình trệ hay gặp sự cố.Đổi số CMND nói riêng hay thay đổi thông tin cá nhân trong tài khoản nói chung là một dịch vụ được cung cấp miễn phí ở hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Giấy tờ nhà, sổ đỏ, sổ hồng

Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận như sau:

“Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”.

Sau khi làm thẻ Căn cước công dân, 5 loại giấy tờ phải thay đổi mà người dân cần biết 1

Theo đó, thông tin về số CMND, số thẻ CCCD của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi tại trang 1 của Giấy chứng nhận.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi chuyển từ CMND sang thẻ CCCD không ảnh hưởng tới quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; việc xác nhận thay đổi được thực hiện theo nhu cầu.Mặc dù việc này không bắt buộc, nhưng bạn cũng nên đi đổi để tránh rắc rối khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất sau này.

Thông báo với cơ quan thuế

Khi đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chíp, người nộp thuế cần thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định pháp luật. Theo khoản 2, 3 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

- Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

- Trường hợp cá nhân có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân và người phụ thuộc thì phải thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ủy quyền của cá nhân.

Sổ bảo hiểm xã hội

Theo Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định việc đổi hoặc điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT trong các trường hợp sau:

- Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng.

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH.

- Xác nhận thời gian đóng BHXH cho người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH và điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995.

Thực chất, thông tin số CMND là một trong các yếu tố quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu vì vậy không cần phải cấp lại sổ BHXH, BHYT mà chỉ cần thực hiện điều chỉnh thông tin số CMND trong cơ sở dữ liệu.

Như vậy, việc điều chỉnh thông tin số CMND được thực hiện với CMND 9 số. Vì CMND 12 số, CCCD có mã vạch khi chuyển sang CCCD gắn chíp không làm thay đổi số.

V.Linh/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO