Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, sau hơn 12 tiếng đại phẫu, ca mổ tách rời cặp Song Nhi (Trúc Nhi và Diệu Nhi) dính nhau vùng bụng chậu phức tạp tại TP.HCM đã thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật cho cặp Song Nhi, sau ca mổ tách rời, các bé vẫn còn đối mặt với nhiều thử thách.
Bởi hai bé dính chung nhau phần đại tràng, đoạn cuối hồi tràng và chung một hậu môn nên sau phẫu thuật tách rời phần ruột của hai bé chia nhau đều bị khiếm khuyết.
Các bác sĩ đã tạo hậu môn tạm thời cho hai bé. Chức năng tiêu hóa của hai bé cũng phải được theo dõi và xử trí sát sao. Bên cạnh đó là việc kiểm soát nhiễm trùng ở phần ruột và hậu môn tạm; các vấn đề liên quan đến cơ quan sinh dục, tiết niệu, vết khâu nối vùng chậu; và một bé có vấn đề về đường thở…
Thời gian tới, khi sức khỏe ổn định hơn, hai bé sẽ tiếp tục lên bàn mổ để bác sĩ tái tạo hoàn chỉnh hệ tiêu hóa, tiết niệu và các cơ quan khác. Các bài tập vật lý trị liệu về vận động, hô hấp ở giai đoạn hậu phẫu muộn cũng sẽ được tiến hành.
Được biết, hai tuần trước mổ, Trúc Nhi và Diệu Nhi được xét nghiệm tiền phẫu, sát trùng. Theo đánh giá của hội đồng hội chẩn: Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp.
Ước tính trên thế giới tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Tại thời điểm diễn ra cuộc đại phẫu, gần 100 y bác sĩ giỏi trên cả nước được huy động sẵn sàng kế hoạch phẫu thuật chi tiết và hoàn hảo, viết tiếp lịch sử của 32 năm trước.
Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh đầu tiên của Việt Nam diễn ra ngày 4/10/1988, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, là cặp bé trai song sinh bị dính liền ở Kon Tum.
Cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức (sinh năm 1981) ngay từ khi sinh ra đã bị dính liền nhau ở phần bụng, có chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt.
Khi cả 2 lên 4 tuổi, cậu bé Việt bị hội chứng não cấp rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào và được đưa qua Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công.
Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, Bệnh viện Từ Dũ lên kế hoạch, quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau. Hai bé được chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo dõi, điều trị chuẩn bị cho ca mổ lịch sử.
Ca phẫu thuật tách rời 2 bé trai diễn ra dưới sự tham gia của 70 y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của cả Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Sau khoảng 12 giờ căng thẳng, hai cơ thể đã được tách rời thành công. Đây vừa là ca mổ tách cặp song sinh bị dính liền đầu tiên tại Việt Nam, vừa là sự kiện quan trọng, ghi dấu ấn đậm nét dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Là người trực tiếp tham gia vào ca mổ lịch sử, GS.TS Nguyễn Đông A nhận định, đây không những là thử thách đối với Việt Nam mà còn là khó khăn với cả thế giới thời điểm đó.
Và ca phẫu thuật đã thành công, cả 2 bé Việt - Đức đều phục hồi tốt. Ca mổ này vào thời điểm đó được ghi vào lịch sử y khoa Việt Nam và trên thế giới.
32 năm sau, GS.TS.BS Trần Đông A trở thành cố vấn chuyên môn theo dõi toàn bộ ca mổ cặp bé gái dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Ông nhấn mạnh, đây là một sự kiện với sự tiến bộ vượt bậc của ngành y tế Việt Nam về mọi mặt, đặc biệt là trang bị y tế.
An AnBạn đang xem bài viết Sau ca mổ tách rời, cặp dính song sinh tiếp tục phải đối mặt với điều gì? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].