Đau lưng, không cúi người được vì tập thể dục sai cách
Lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường cho biết: “Tại phòng khám chúng tôi mới tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị đau thắt lưng, cử động khó, không cúi người được chỉ vì tập luyện thể thao sai cách.
Theo nam bệnh nhân này kể lại thì trong lúc tập luyện với tư thế cuộn tròn người, vì sai tư thế nên lưng đập xuống sàn và gây đau nhức vùng lưng, cử động khó khăn, không cúi người được.
Cứ nghĩ tình trạng đau nhức sẽ khỏi sau vài ngày ngừng tập luyện nhưng bệnh tình mãi không giảm, đau nhức tăng nặng hơn nên bệnh nhân tìm đến thầy thuốc thăm khám điều trị.
Cách đây vài ngày cũng có một nam bệnh nhân đến phòng khám điều trị vì bị đau nhức vai gáy, đau thắt lưng do lạnh, dẫn đến khó cúi gập. Nguyên nhân cũng chỉ vì chủ quan không giữ ấm trong mùa đông”.
Qua các trường hợp bệnh nhân này, lương y Nguyễn Thanh Thúy cũng khuyến cáo, việc tập luyện thể dục thể thao là rất quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi tập luyện cần tránh những sai lầm dưới đây để không gây hại cho sức khỏe.
Tập luyện quá sớm vào sáng mùa đông
Buổi sáng mùa đông nhiệt độ thường rất thấp nên nếu đi tập thể dục quá sớm sẽ dễ bị nhiễm lạnh, trúng gió.
Nhất là với người già, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng suy giảm, việc đi ra ngoài vào sáng sớm mùa đông sẽ dễ mắc các bệnh đường hô hấp và dễ bị tai biến.
Để tốt cho sức khỏe nên đi tập luyện muộn hơn, khi không khí đã ấm lên. Hoặc nên chọn nơi kín gió, tập luyện trong nhà trong những ngày lạnh sẽ tốt cho sức khỏe, phòng ngừa nhiễm lạnh.
Tập sai tư thế
Vì ngày đông lạnh nên việc tập luyện thể thao không được thoải mái như mùa hè.
Hơn nữa, trời lạnh thường làm các cơ, khớp co cứng nên khi tập luyện nếu không khởi động kỹ, không cẩn trọng sẽ rất dễ bị sai tư thế dẫn tới chấn thương gây đau nhức, hạn chế vận động.
Tập thể dục lúc đói
Nhiều người có thói quen tập thể dục về mới ăn sáng hoặc chọn tập luyện lúc đói để không gây hại dạ dày.
Đây là thói quen sai lầm dễ gây hại cho sức khỏe bởi tập luyện khi đói rất dễ bị hạ đường huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tốt nhất trước khi tập luyện thể thao nên ăn nhẹ để bổ sung năng lượng cho cơ thể, sau đó nghỉ khoảng 15 – 20 phút để cơ thể tiêu hóa thực phẩm rồi mới bắt đầu tập luyện.
Tập luyện quá sức
Với người bình thường, việc tập luyện thể dục là hình thức vận động vừa sức để rèn luyện sức khỏe, giúp cơ thể thoải mái, tăng độ dẻo dai, tăng cường sức khỏe…
Nhưng nhiều người lại tập luyện với cường độ mạnh, ép cơ thể phải hoạt động quá sức dẫn đến cơ thể mệt mỏi, thậm chí gặp phải chấn thương vì tập luyện quá sức, giấc ngủ suy giảm, tay chân bủn rủn…
Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi tập luyện thể dục hàng ngày nên chọn những môn thể thao phù hợp với sức khỏe và tập luyện với cường độ vừa sức, sao cho sau khi tập luyện thấy người thoải mái, tinh thần sảng khoái.
Không giữ ấm cơ thể
Không ít người nghĩ rằng, khi tập luyện thể dục người sẽ nóng lên, vậy nên mặc rất ít đồ trong mùa động, thậm chí mặc đồ tập mát mẻ như mùa hè, nhưng thực tế phải vận động một lúc người mới nóng lên được.
Vậy mà không ít người chủ quan, cứ nghĩ đi tập là sẽ nóng nên không giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài và giữ ấm khi tập luyện xong, dẫn đến bị nhiễm lạnh.
Và việc không giữ ấm cơ thể trong mùa đông có thể gây ra rất nhiều bệnh như viêm mũi, viêm họng, cảm cúm, đau cổ vai gáy, đau thắt lưng do lạnh…
Tập luyện cho ra thật nhiều mồ hôi
Không ít người nghĩ rằng tập thể dục ra được thật nhiều mồ hôi mới tốt vì sẽ giúp thải độc cho cơ thể.
Tuy nhiên, vào mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp, nhất là buổi sáng sớm và chiều tối, nếu tập cho ra thật nhiều mồ hôi, đồng nghĩa với việc lỗ chân lông đang mở rộng thì rất dễ bị cảm lạnh.
Khi tập luyện mùa đông cũng chỉ nên tập vừa sức của mình, không nên cố tập để ra thật nhiều mồ hôi, làm như vậy sẽ gây quá tải cho cơ thể.
Hơn nữa, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cơ thể bị mất nước nếu không bù đủ lượng nước mất đi sẽ gây hại cho cơ thể, trong khi mùa đông lạnh mọi người lại rất lười uống nước.
Và nên nhớ khi tập luyện thể thao, nhất là vào mùa đông, nếu cơ thể ra mồ hôi thì nên thay quần áo và lau sạch mồ hôi trên cơ thể sau khi tập để tránh ngấm ngược vào người gây cảm lạnh.
Tắm ngay sau khi tập thể dục
Sau khi tập luyện thể dục cơ thể nóng lên, người dính dớp khó chịu nên nhiều người có thói quen tắm luôn sau khi tập.
Thói quen này rất nguy hiểm, bởi sau khi tập luyện cơ thể đang trong trạng thái thiếu nước, tim đập nhanh, lỗ chân lông mở rộng, nếu tắm ngay sau khi tập sẽ rất dễ vị nhiễm lạnh dẫn tới cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là đột quỵ.
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên nghỉ ngơi khoảng 15 – 20 phút sau khi tập luyện thể dục cho cơ thể trở lại bình thường, uống một cốc nước ấm để bù lượng nước mất đi khi tập luyện rồi mới đi tắm.
An AnBạn đang xem bài viết Sai lầm khi tập thể dục vào mùa đông: Đừng bao giờ tập quá sớm và tắm ngay sau tập tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].