Rối loạn phân ly là gì?
Ths.Bs Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số. Đây là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.
Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…
Các triệu chứng có tính chất lây lan, khởi phát bắt đầu từ một người sau đó lan truyền sang các em khác. Thời gian xuất hiện triệu chứng lạ khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau khi các biểu hiện này biến mất, người bị rối loạn phân ly sẽ ngủ lịm khoảng 10-20 phút và tỉnh lại, giao tiếp bình thường.
Rối loạn phân ly tập thể là gì?
Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”.
Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.
Nguyên nhân của hội chứng rối loạn phân ly là gì?
Theo Ths Hương, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.
Bệnh thường phát sinh khi người bệnh gặp áp lực, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, một vài những áp lực nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt…
Trong những trường hợp như vây, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc
Các yếu tố thuận lợi phát sinh rối loạn phân ly:
- Nhân cách: nhân cách yếu, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính dễ xúc động, thích được chú ý, nhân cách “nghệ sỹ”.
- Môi trường: sự giáo dục không thích hợp, gia đình quá bao bọc hoặc quá khắt khe, môi trường không bền vững, thay đổi liên tục.
- Cơ thể: suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, trong giai đoạn dậy thì…
Rối loạn phân ly tập thể khiến 18 em học sinh ở Cao Bằng ngất xỉu
Ngày 24/11, tại điểm trường Nà Rại (Cao Bằng) xảy ra sự việc 18 học sinh tiểu học bỗng nhiên có những biểu hiện, hành vi bất thường như khóc thét, ngất xỉu, kích động, đánh người...
Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết đã cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em. Bước đầu xác định các em mắc hội chứng rối loạn phân ly tập thể.
Nhà trường thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ. Hiện tại các em đang được theo dõi sức khỏe tại nhà, nâng cao tâm lý và bổ sung dinh dưỡng.
V.LinhBạn đang xem bài viết Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân bị rối loạn phân ly và cách điều trị tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].