Báo Điện tử Gia đình Mới

Rắn cạp nia là loại rắn gì, có độc không?

Ở Việt Nam cho tới nay đã phát hiện có 60 loài rắn độc, trong đó các loài rắn cạp nia là một trong số loài độc nhất.

Rắn cạp nia là loại rắn gì?

Rắn cạp nia là loại rắn gì, có độc không? 0

Rắn cạp nia thuộc chi Cạp nia (Bungarus). Chi rắn này thuộc họ Rắn hổ (Elapidae) có nọc độc, tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Chi này có 15 loài và 8 phân loài. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là rắn cạp nong, cạp nia, mai gầm, hổ khoang...

Hai loài rắn cạp nia độc nhất được ghi nhận là cạp nia miền Bắc và cạp nia miền Nam. Ngoài ra, các loài cạp nia sông Hồng, cạp nia đầu vàng khá phổ biến.

Rắn cạp nia miền Bắc hay mai gầm bạc, kim tiền bạch hoa xà, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc, ngù cáp tan (tiếng tày), (danh pháp: Bungarus multicinctus) phân bố chủ yếu ở miền Bắc  và miền Trung (từ Huế trở ra).  Loài này thường được tìm thấy ở các khu vực thấp, đặc biệt là vùng cây bụi, rừng cây gỗ, các cánh đồng canh tác và rừng ngập mặn.

Rắn cạp nia miền Nam hay mai gầm bạc, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc (danh pháp: Bungarus candidus) phân bố chủ yếu ở miền Trung và Nam Việt Nam như các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nha Trang, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai.

Rắn cạp nia sông Hồng (danh pháp: Bungarus slowinskii) phân bố ở dọc sông Hồng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.

Rắn cạp nia đầu vàng (danh pháp: Bungarus flaviceps) phân bố chủ yếu ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - VũngTàu.

Đặc điểm nhận dạng rắn cạp nia

Rắn cạp nia có đầu thon mảnh, con ngươi tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ.

Điều này giúp chúng ngụy trang khá tốt tại môi trường sinh sống của chúng tại các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm.

Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đuôi dẹp dần thành điểm nhọn.

Rắn cạp nia có độc không?

Rắn cạp nia là loại rắn gì, có độc không? 1

Rắn cạp nia là một trong số những loài rắn độc nhất ở Việt Nam.

Khi người bị rắn cạp nia cắn, vết cắn tại chỗ thường không có dấu hiệu gì, không phù nề, không hoại tử, đôi khi chỉ nhìn thấy 2 vết móc nhỏ như đầu kim.

Thời gian ủ bệnh thường trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Nạn nhân bắt đầu bị liệt các cơ từ vùng đầu, mặt, cổ, cơ liên sườn, cơ hoành, cuối cùng là các chi.

Một trong các dấu hiệu đầu tiên khác khi bị rắn cạp nia cắn là nạn nhân sụp mi như buồn ngủ, cuối cùng là sụp mi hoàn toàn không mở được mắt. Tuy nhiên bệnh nhân cũng không nhắm kín được mắt nên dễ bị khô giác mạc, biến chứng viêm, loét giác mạc nếu không được vệ sinh và đóng kín hai bờ mi. 

Đồng tử giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng là một trong dấu hiệu đặc trưng ở người bị rắn cạp nia cắn.

ọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape gây liệt mềm kéo dài. Nọc rắn cạp nia miền Bắc và rắn cạp nia miền Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.

Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tích cực với các biện pháp cấp cứu, hồi sức, đặc biệt thở máy.

Huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu giúp bệnh nhân nhanh chóng tự thở và bỏ máy,rút ngắn đáng kể thời gian nằm viện và giảm các biến chứng.

Sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn

Nạn nhân bị rắn độc cắn cần được sơ cứu ngay trước khi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Mục tiêu sơ cứu là làm chậm sự hấp thu của nọc độc về tuần hoàn hệ thống, giúp kéo dài thời gian chưa bị liệt cho tới khi tới được cơ sở y tế gần nhất.

Cấp cứu hô hấp khi bị liệt, suy hô hấp để đảm bảo tính mạng người bệnh trong thời gian vận chuyển.

Cách sơ cứu:

- Áp dụng kỹ thuật băng ép bất động (nếu có thể) hoặc ga rô tĩnh mạch, kết hợp hỗ trợ hô hấp theo điều kiện tại chỗ.

- Trích rạch, nặn máu, rửa vết cắn.

- Vận chuyển: không để tự đi lại, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nhanh chóng vận chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

- Không nên: mất thời gian đi tìm thày lang lá thuốc và chờ đợi tác dụng của các biện pháp này, gây điện giật, đắp các loại thuốc y học dân tộc, hoá chất lên vết cắn, sử dụng hòn đá chữa rắn cắn, chườm lạnh vết cắn (chườm đá).

- Nếu khó thở: gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế nơi gần nhất, hô hấp nhân tạo, có thể hà hơi thổi ngạt, bóp bóng oxy qua mask hoặc ống nội khí quản (tuỳ theo điều kiện tại chỗ).

(Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO