Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt.
Vào ngày này, người ta thường chuẩn bị đầy đủ lễ vật để dâng cúng thần linh, gia tiên, cầu bình an cho cả gia đình.
Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình cũng như phong tục ở mỗi vùng miền, địa phương mà mâm cúng rằm tháng 7 lại có sự khác biệt. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ mặn hoặc chay cùng tiền vàng, đồ mã cùng tấm lòng thành để dâng lên thần linh, gia tiên.
Vậy rằm tháng 7 cúng gì mới đúng? Dưới đây là một số thông tin hữu ích để bạn tham khảo.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng 7
Với các gia đình cúng chay thì mâm cỗ sẽ gồm có:
Hương, hoa, trà, quả (có thể chọn số lượng tùy ý tuy nhiên phải lưu ý là chọn quả đã chín, có hương thơm để vong linh thọ hưởng), mâm cỗ chay với xôi chè, các món chay tùy vào mỗi gia đình sẽ lựa chọn những món khác nhau.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, gia chủ sắp mâm lễ lên ban thờ của gia đình. Mâm cúng Phật sẽ có: Hương, hoa, trà, quả, xôi chè, bát cơm trắng; mâm cúng gia tiên gồm: Hương, hoa, trà, quả, mâm cơm chay, xôi chè...
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7
Đối với những gia đình cúng mặn thì mâm cỗ cúng rằm cần chuẩn bị đầy đủ, tươm tất để bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với thần linh, gia tiên.
Thông thường, mâm cúng mặn sẽ bao gồm: Xôi, gà luộc, canh miến/canh măng, cơm, cá kho, món xào... Bên cạnh đó, gia chủ cũng cần chuẩn bị thêm trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nến, nhang, vàng mã,...
Cúng rằm tháng 7 năm 2020 vào ngày nào tốt nhất?
Theo quan niệm từ bao đời, người Việt sẽ cúng rằm tháng 7 vào khoảng thời gian từ mùng 2 cho đến 14 âm lịch.
Lý giải về điều này, các chuyên gia phong thủy cho hay, đây là khoảng thời gian Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các linh hồn về với dương gian hưởng đồ cúng tế, cửa sẽ đóng vào ngày 15 vì vậy nếu cúng đúng rằm thì người âm sẽ khó mà nhận được lễ vật.
Văn khấn cúng rằm tháng 7 đúng phong tục
Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy Tổ tiên nội ngoại họ… và chư vị hương linh.
Hôm nay là rằm tháng bảy năm…. (Canh Tý – 2020)
Gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung nguyên, nhớ đến Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra chúng con, gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Vi vậy cho nên nghĩ, đức cù lao không báo, cảm công trời biển khó đền. Chúng con sửa sang lễ vật, hương hoa kim ngân và các thứ lễ bày dâng trước án linh tọa.
Chúng con thành tâm kính mời: Các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, cô dì tỷ muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ…(Nguyễn, Lê, Trần…)
Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng lâm linh sàng chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, bình an, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, hướng về chính đạo.
Tín chủ lại mời: các vị vong linh y thảo phụ mộc, phảng phất ở đất này, nhân lễ Vu Lan giáng lâm linh tọa, chiêm ngưỡng tôn thần, hâm hưởng lễ vật, độ cho tín chủ muôn sự bình an, sở cầu như ý.
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Mai HươngBạn đang xem bài viết Rằm tháng 7 nên cúng những gì, gợi ý mâm cỗ cúng rằm tháng 7 đầy đủ nhất tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].